Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Chính trị

19 Tháng Ba 2024

Về chiếc áo dài nam truyền thống

Chủ Nhật 26/01/2020 | 13:39 GMT+7

VHO- Áo dài của nam giới xuất hiện lần đầu vào thời điểm lịch sử nào ở nước ta? Đây là câu hỏi không có lời giải vì rằng nước ta đến nay vẫn chưa có bảo tàng y phục, sử sách còn khảo được chỉ tìm thấy từ đời Lý, Trần. Hiện vật còn tìm được chỉ là các áo quần tùy táng của hàng quan lại, quí tộc từ thời nhà Lê (thế kỷ XV - XVI trở đi).

Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền Trần Ngọc An trình Quốc thư lên Nữ hoàng Vương quốc Anh. Ảnh: Hatnews

Về mầu sắc, thời nhà Đinh, nhà Lê màu đại hồng chỉ nhà vua mới được mặc, mầu tía dùng cho các quan. Đó là hai mầu cấm dân chúng không được dùng. Nhà Lý, những triều đại đầu, mầu tía dành cho vua, màu đại hồng (thường gọi là mầu huyết dụ) dùng cho các quan nhất phẩm, màu xanh dành cho các quan từ nhị phẩm trở xuống.  Các mầu khác dân được phép mặc. Thời nhà Lý dân thường mặc loại vải phổ biến gọi là “Thanh cát” làm từ sợi bông. Dân thường dùng các mầu nhuộm chiết từ lá cây như màu xanh nhạt, mầu chàm, mầu xanh đen. Đôi khi dùng loại vải mộc để may mặc, gọi là vải “Bạch bố”.

Mãi tới thời Lý Cao Tông mới thấy xuống chiếu cấm dân không được dùng màu vàng. Sang thời nhà Trần việc quy định màu sắc rõ ràng hơn. Ví dụ, màu vàng từ y phục đến xe kiệu dành cho nhà vua, tuyệt đối không ai được vi phạm. Các quan hàng nhất phẩm dùng mầu tía, nhị phẩm mầu đại hồng, tam phẩm mầu đào hồng, tứ phẩm mầu lục...

Nhưng những gì khảo được từ nhà Trần cũng không khác nhiều so với nhà Lê vì y phục thời Lê cũng không khác y phục nhà Trần là mấy. Có chăng chỉ xê xích về độ rộng, hẹp cửa tay áo và nách mà thôi. Ngoài ra, càng về sau thì mặt hàng tơ lụa và mầu sắc càng phong phú. Ví dụ về kích thước của chiếc áo dài nam còn khảo được: “Mùa đông tháng 10 năm Canh Tí (triều Trần Anh Tông) quy định, cửa tay áo các quan văn võ rộng từ 9 tấc đến 1 thước 2 (1 thước xưa bằng 40cm), kiểu hẹp từ 8 tấc trở xuống đều không được dùng (kiểu hẹp là của thường dân). Tiếp sang đời Lê, năm Hồng Đức 19, Lê Thánh Tông quy định kích thước của triều phục.

Thân áo dài cách mặt đất 2 tấc (8cm), tay áo rộng 1 thước 2 tấc (48cm). Đến đời Huyền Tông năm Cảnh Trị thứ 2 quy định rõ về y phục của cả quan và dân. “Áo các quan có ống tay rộng, 9 tấc 5 phân, nách rộng 8 tấc 2 phân ; áo của thường dân thì rộng 9 tấc, nách rộng 7 tấc 8 phân. Những người thấp bé thì cho thu hẹp bớt đi. Triều phục thì không theo quy chế này”.

Vậy ta có thể hiểu y phục của quan và dân gần giống nhau. Sự xê xích về kích thước không đáng kể. Sắc dụ cũng nói rõ đây là thường phục của quan và dân chứ không phải là triều phục. Rõ ràng nước ta có một nền văn hóa y phục xuyên suốt lịch sử và không hề  đứt gẫy.

Chiếc áo dài nam truyền thống của người Việt được truyền thừa sang triều Nguyễn, nó hàm chứa các yếu tố cơ bản của quá khứ. Từ đầu thế kỷ XX tới trước 1945, chiếc áo dài nam truyền thống có đôi ba lần cải tiến cho gọn hơn. Ví dụ tay áo hẹp hơn, nách thu lại cho bó thân hơn, chiều dài không gần quét đất như trước mà cách mặt đất khoảng 20cm. Tuy nhiên, từ sau 1945, Quốc phục Việt Nam bị đứt gẫy về mặt giao tế, chứ thực nó vẫn tồn tại trong nhân dân. Từ đó tới gần đây đã có hai cuộc thi sáng tác mẫu quốc phục và cả chục lần hội thảo. Các đề xuất phần lớn là đi tìm cái mới chứ không quay về cái cũ. Và các mẫu sáng tác thu được thì cũ mới lai căng, không một sản phẩm nào khả dĩ có nhân tố dân tộc và thẩm mỹ .

Có thể nói rằng, mọi tìm tòi không mang tính kế thừa, không lấy truyền thống dân tộc làm yếu tố chủ đạo, thì về bất cứ phương diện nào cũng thất bại, chứ không riêng gì lĩnh vực y phục. Điều đáng mừng là suốt từ Bắc chí Nam, nhân dân vẫn âm thầm gìn giữ một cách khá đầy đủ nền y phục truyền thống. Và nó được sử dụng nhiều nhất trong các ngày lễ, tết, hội hè, cưới hỏi và giao tiếp.

Mấy năm gần đây, có một tổ chức xã hội dân sự thu hút tới gần hai chục ngàn hội viên, đó là tổ chức “Hội đình làng Việt”. Hoạt động của họ là chuyên khảo sát về kiến trúc truyền thống trong hệ đình làng. Ngoài kiến trúc, còn khảo sát về văn hóa phong tục. Nhằm hướng dẫn cho mọi người hiểu biết về văn hóa dân tộc và trách nhiệm bảo tồn, phát triển. Hội này cũng khuyến khích các hội viên phục dựng lại hình hài y phục truyền thống. Hội có một đội nòng cốt khoảng trên dưới một trăm người, cứ hễ xuất phát đi làm công việc gì có dính dáng đến văn hóa dân tộc, là họ vận áo dài truyền thống được cắt may theo chuẩn mực.

Điều đáng hoan nghênh là có một hội viên của Hội Đình làng Việt là ông Phạm Sanh Châu, công tác tại Bộ Ngoại giao, hiện làm Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền của nước ta tại nước Cộng hòa Ấn Độ. Nhân dịp Quốc khánh  năm 2019 vừa qua, ông cùng toàn thể cán bộ Đại sứ quán Việt Nam tiếp khách quốc tế, tất cả vận theo lề lối của quốc phục Việt Nam, khiến các bạn Ấn Độ vừa ngạc nhiên vừa kính trọng. Trước đó, vào ngày 3.5.2018, Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền nước ta tại Vương quốc Anh, ông Trần Ngọc An đã trình Quốc thư lên Nữ hoàng Anh tại cung điện Buckingham, với phong cách y phục mang đậm tính truyền thống văn hóa Việt Nam.

Khi tòa Đại sứ Việt Nam thông báo cho Bộ Ngoại giao Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ireland trong lễ trình quốc thư, vị Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền của chúng ta sẽ vận theo lễ phục truyền thống của Việt Nam, phía lễ tân Hoàng gia Anh đã tiến hành lễ đón theo đúng nghi thức cổ truyền của Anh Quốc. Hai cỗ xe song mã, xà ích và các lính hộ vệ được trang hoàng và y phục theo phong cách từ thế kỷ XVII đến tận cổng tòa Đại sứ nước ta mời ông Trần Ngọc An và phu nhân lên xe để tới cung điện Buckingham tiếp kiến và trình Quốc thư lên Nữ hoàng Anh Elizabeth II. Buổi trình Quốc thư của Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền Trần Ngọc An tại Vương quốc Anh và Bắc Ireland đã gây ấn tượng tốt đẹp với nước chủ nhà và quan khách. 

Rất có thể từ nay chiếc áo dài nam giới, một biểu tượng của nền văn hóa y phục truyền thống sẽ chính thức tồn tại một cách hợp pháp và vẻ vang, không cần ai cho phép.

Nhà văn Hoàng Quốc Hải

Print

Hãy Đăng nhập hoặc Đăng ký đăng nhận xét.

Danh mục bài viết

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liện hệ quảng cáo: 024.22415051

Tổng Biên tập:NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top