Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Chính trị

19 Tháng Ba 2024

Nhà văn xuất ngoại… mua đồ

Thứ Ba 21/01/2020 | 13:18 GMT+7

VHO- Lần ấy nhà văn Ma Văn Kháng, nhà thơ Mã Thế Vinh và tôi họp lại thành một tốp đi thăm Lào. Chỉ có tôi là nhạt, không có giai thoại, còn trưởng lão Mã thi sĩ và nhà văn Ma Văn Kháng thì vô khối chuyện có thể kể. Tóc như cước nhưng Mã thi sĩ vốn là vũ công, nên ngũ tuần dáng vóc vẫn khá chuẩn, lăm vông, uống rượu và làm thơ không biết mệt.

Nhà văn Ma Văn Kháng. Ảnh: phunuvietnam.vn

Lào có hẳn điệu quốc vũ, già trẻ, gái trai ai ai cũng biết, cũng thành thạo. Người Lào, đặc biệt là vùng nông thôn, vùng cao thì lăm vông như cơm ăn, nước uống hằng ngày. Những năm kháng chiến trong rừng, đói cơm, thiếu muối thường khi, nhưng đêm đêm các bạn Lào vẫn lăm vông. Không có trống thì gõ vào nồi, vào bát sắt làm nhịp để lăm vông, chứ tối đến không ngồi yên mà không múa. Người Lào coi múa như giữ lửa, giữ sức sống bền bỉ và lạc quan của đất nước Triệu Voi với những con người hiền hậu, lòng dạ trong veo như suối rừng. Suốt chuyến đi trên đất nước Lào, ở Salaphukhun, phía bắc; Salavakhét, miền Trung, Pặcxê, cực nam Lào, ngày nào chúng tôi cũng thấy cứ chập tối là tiếng trống tạ-pôn đã nhắc nhở, mời gọi mọi người  đến với lăm vông. Chả biết trai gái Lào ngủ vào lúc nào, họ đã lăm vông thì trắng đêm, nhưng sáng hôm sau đã lại thấy các vũ công bình dân lầm lũi trên nương rẫy.

Trong ba chúng tôi, nhà thơ Mã Thế Vinh có đôi tai thật thính. Gần nửa đêm ở khách sạn Phônsavẳn, thị xã Xiêng Khoảng, xa làng bản, chỉ nghe mơ hồ trong gió cao nguyên có tiếng trống, vậy mà thi sĩ nhận ra ngay đó là trống lăm vông, nhất định không phải trống đám tang hoặc nghi lễ nào đó. Thế là ông đánh bộ, vẫy xe ôm, phóng về phía Mường Pẹc. Ông có một đêm múa no nê, gần sáng đem về khách sạn gương mặt phừng phừng hơi men và hai vai áo trắng có rất nhiều dấu những cặp môi son, do các vũ nữ “đóng dấu” vào đó để làm kỷ niệm. Chỉ một đêm lăm vông ấy, Mã thi sĩ sáng tác hẳn mười bài tứ tuyệt dưới một đầu đề chung, Những búp sen đêm Vạn Tượng. Hôm đoàn nhà văn có buổi giao lưu với thầy trò thầy trò Khoa Văn trường Đại học Quốc gia Lào, tôi được phân công làm MC, đã nhớ ngay đến Mã thi sĩ, giới thiệu ông đọc thơ tình lăm vông. Đúng là nghề múa có ngôn ngữ riêng, dễ lây sang nhau nhanh hơn cả thơ, âm nhạc. Tôi để ý Mã thi sĩ thanh thoát bước lên bục, ông chưa đọc thơ, chỉ hơi cúi người, mở vòng tay, nhún gót một cái, thế là tôi và nhà văn Ma Văn Kháng chưa kịp hiểu chuyện gì đã xảy ra, chỉ thấy các sinh viên hào hứng đứng cả dậy, kéo đến trước khách chắp tay mời lăm vông theo nhịp các chàng trai rộn rã gõ xuống bàn. Cuộc giao lưu văn học tạm chuyển sang lăm vông. Mã thi sĩ đương nhiên là người hào hứng nhất, người hấp dẫn nhất, là tâm điểm của vòng múa xoay tròn.

Ngược lại với tính sôi nổi, ham vui của Mã thi sĩ, nhà văn Ma Văn Kháng lúc nào cũng ngơ ngác, gặp ai cũng bám lấy hỏi đủ thứ chuyện như trẻ con; hỏi từ cách ăn mắn phạ đẹc đến tỉ mẩn nhờ người ta dịch lời các bài hát dân gian sang tiếng Việt. Trong đoàn, ông Kháng là người có nhiều ngôn ngữ để giao lưu với các bạn Lào. Vốn tiếng đa dân tộc ông tích lũy hai mươi năm dạy học trên vùng cao Lao Cai rất đắc dụng khi gặp các bạn Lào. Với người Lào Sủng, ông giao tiếp bằng tiếng Mông. Còn Lào Lum, Lào Thơng ông dùng tiếng Thái, tiếng Tày. Trong Hội Nhà văn Lào có một số cây bút đã nhiều năm tu học ở Pháp, ở Anh, ông Kháng trao đổi với họ bằng tiếng Anh, tiếng Pháp cũng khá trôi chảy. Ra khỏi nhà là hỏi chuyện, về đến nhà là ông ngồi lỳ hì hục ghi chép vào một cuốn sổ kiểu Sổ tay công tác thời bao cấp, đóng ghim, bìa cứng, giấy viết vàng chanh đùng đục, không dòng kẻ.

Có hôm tôi thấy ông ra chợ mua mấy cái bút màu, thứ bút vẽ của trẻ em cấp một làm tôi tò mò. Bởi lẽ dạo này một số nhà văn xoay sang vẽ, cũng khá xôm với các cuộc triển lãm, hoặc treo nhờ ở quầy bán, thường được phi lộ trước rằng đó là tranh nhà văn vẽ để tự giảm bớt đòi hỏi khắt khe của giới phê bình hoặc công chúng ưa nghệ thuật tạo hình. Hay đến lượt ông Ma Văn Kháng, nhà văn hàng đầu của văn học Việt Nam đương đại cũng lại dở chứng lọt vào tốp gây sốc cho cánh họa sĩ?

Nhà thơ Mã Thế Vinh. Ảnh: Mã Thế Anh

Một tối, tôi kiếm cớ sang uống nước để xem tác phẩm tạo hình của ông. Thì ra ông vẽ thật, nhưng không phải vẽ tranh mà vẽ bản đồ, một tập, ghi chú đầy đủ tên địa danh. Nơi nào chúng tôi được các bạn dẫn đi tham quan như thành phố Viêng Chăn, Xiêng Khoảng, Cánh Đồng Chum, Nậm Ngừm, cố đô Luôngphabăng đều được ông Kháng tỉ mỉ vẽ lại hình dáng, đường đi, vị trí các điểm tham quan… cùng phụ bản như kiểu nhà, mái chùa, hình dáng một vài dụng cụ lao động và vật dụng. Phải chăng đây là cách nghi chép chuyến đi của nhà tiểu thuyết? Tôi đoán vậy, nhưng không hỏi vì chắc thế.  Bởi lẽ nhớ đến một lần đi chơi với đạo diễn Đặng Nhật Minh, thấy ông có cuốn sổ nhỏ tùy thân, gặp cái gì cũng vẽ một khung chữ nhật rồi xếp các tư thế người và cảnh vào cái khung chật hẹp đó. Ông Minh than thở, làm cái nghề điện ảnh nó khổ thế, một giây là hai mươi bốn hình, hai mươi bốn tư thế chuyển động mới tạo ra được một động tác hoàn chỉnh. Anh đạo diễn là phải làm thế nào sắp đặt mọi chuyển động và quang cảnh chỉ trong một khung hình sao cho đập vào mắt người xem người ta phải nhớ.

Tôi đọc khá nhiều văn ông Ma Văn Kháng, thấy cảnh và người trong văn ông thật nhiều chi tiết riêng biệt, những chi tiết có được bằng sống cùng và nhìn kỹ bằng mắt mình, chứ không nhìn qua văn chương của người khác. Những tấm bản đồ ông vẽ để “ghi chép” có lẽ sẽ giúp nhiều trong các trang văn mới của ông sau chuyến đi.

Gần cuối chuyến thăm nước bạn, nhà văn Chăn Thi, Chủ tịch Hội Nhà văn Lào dẫn chúng tôi thăm Nhà máy thủy điện Nậm Ngừm rồi đưa đến nghỉ trên tàu du lịch cỡ năm sao, thường dành cho các doanh nhân đến từ Thái. Thấy chỗ ăn trải thảm Ba Tư sang trọng, ông Kháng ngần ngại, nói với anh Chăn Thi theo lối người nhà, rằng Hội Nhà văn Lào, chắc cũng như Hội Nhà văn Việt Nam, còn khó khăn, nên nhiều khi nhịn miệng đãi khách. Anh đãi chúng tôi sang thế này thì không còn lần để dành cho người đến sau. Cho nên, ta ra ngoài phố huyện ăn ở cho đỡ tốn kém. Nghe ông Kháng nói, anh Chăn Thi ôm anh em đoàn khách văn Việt Nam, bảo, hôm nay thì các bạn yên tâm, vì chúng ta được Ban giám đốc Nhà máy Thủy điện Nậm Ngừm mời. Nghe anh Chăn Thi nói, ông Kháng có vẻ mãn nguyện, rủ tôi đi chợ chiều họp ở bản gần Nhà máy. Như là chợ vùng cao ở ta, bày bán nhiều đồ thổ cẩm, hàng may sặc sỡ, đồ dùng gia đình và nông lâm sản. Tôi thấy ông Kháng đứng giữa chợ mở ra một tờ giấy dài như sớ, viết mấy chục tên người, đánh thứ tự từ 1 đến 48. Tôi đọc những dòng tên trên tờ “sớ” gặp toàn tên anh em trong cơ quan Văn phòng Hội và Tòa soạn Tạp chí Văn học nước ngoài. Thì ra ông đã cẩn thận ghi tên từng người để mua quà.

48 cái tên, 48 phần quà, nhỏ thôi, có khi chỉ là chiếc bấm móng tay, cái khăn thổ cẩm. Mua xong một phần quà, ông lại đánh dấu vào dòng tên để không lẫn, không quên ai. Tôi nhớ một lần ở cơ quan Hội có cô nhân viên mới về công tác, gặp ông Kháng đã mỉm cười, chào anh ạ. Ông Kháng bảo cô gái đứng lại, nói, tôi cao tuổi rồi, bằng hoặc ngang tuổi bố cháu. Cho nên, lần sau gặp bác nếu chào, thì cháu chào ông hoặc chào bác nghe cho phải. Cái người đi công tác xa đang tần ngần giữa chợ chọn mua quà đúng là chỉ có ông mới lo chu đáo cho con cháu trong nhà đến vậy.

Hà Đình Cẩn

Print

Hãy Đăng nhập hoặc Đăng ký đăng nhận xét.

Danh mục bài viết

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liện hệ quảng cáo: 024.22415051

Tổng Biên tập:NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top