Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Chính trị

19 Tháng Ba 2024

Cổ nhạc đã “quyến rũ” người trẻ?

Chủ Nhật 26/01/2020 | 13:07 GMT+7

VHO- Một thời đại mới đã khác xa những giá trị xưa cũ, một thế giới mới dường như không còn khoảng cách địa lý bởi công nghệ thông tin bùng nổ mạnh nhưng cổ nhạc vẫn đang quyến rũ người trẻ. Đó không phải là điều không tưởng như ai đó đã từng nghĩ.

Hai liền anh sinh viên hát Quan họ

Xuân Khanh, một chàng sinh viên năng động, được mệnh danh là hotboy Đại học Điện lực, từng được lên trang nhất của một tờ báo dành cho giới sinh viên cả nước và được những tờ báo mạng lớn nhắc tới khi cậu chàng lên ý tưởng về bộ ảnh kỷ yếu mang tên “lớp học full boy”. Lý do là lớp học của Khanh có tổng số 36 thành viên, song không có một bóng hồng nào.

Ban đầu ai cũng nghĩ… khó lắm

Chính sự “mất cân bằng giới” này mà lớp đã gặp không ít những khó khăn trong các hoạt động tập thể. Khi làm bộ ảnh kỷ yếu, đã có những ý kiến nên nhờ một hai bạn nữ chụp chung để tạo lại sự cân bằng nhưng chàng hotboy  bỏ ngoài tai, quyết biến sở đoản thành sở trường bằng một lớp hoàn toàn là nam giới, đồng thời theo đúng phong cách Hàn Quốc hiện đại, năng động, thanh lịch đúng xu hướng của giới trẻ.

Một ngày tình cờ, thông qua mạng xã hội Xuân Khanh biết đến người viết. Qua những câu chuyện về âm nhạc, thứ âm nhạc mà cậu yêu mến có phần “già hơn” so với các bạn cùng lứa, nhưng hầu như chưa biết nhiều về xẩm. Vậy mà bây giờ Khanh đã trở thành một khán giả yêu hát xẩm, nghe xẩm hằng ngày, nhất là những bài xẩm mang hơi hướng mới như Xẩm Bốn mùa hoa Hà Nội, Xẩm sai Tiễu trừ cướp biển… của nhóm Xẩm Hà Thành.

Cũng các bạn sinh viên trẻ người Việt nhưng đang du học ở Paris - Pháp, trong một lần nhóm Xẩm Hà Thành tới biểu diễn vào dịp Hội Người Việt tại Pháp tổ chức sự kiện đón chào năm mới gần đây, nhóm đã trình diễn bài Xẩm sai Tiễu trừ cướp biển. Sau khi phần trình diễn kết thúc, bước vào phía dưới hậu đài, mấy bạn nam sinh đã chạy đến bên nhóm hát, miệng cứ liên tục hát đi hát lại một câu hát nói trong bài xẩm với vẻ mặt ngập tràn nụ cười. Và rồi cứ liên tiếp hỏi về xẩm, hỏi về ý nghĩa của câu hát xẩm, hỏi về âm nhạc dân gian Việt Nam…

Nhóm Xẩm Hà Thành (Phạm Dũng - Mai Tuyết Hoa - Phạm Trang)

Cũng cách đây mấy năm, thông qua vợ chồng NSƯT Hoàng Tùng, tôi có nhận lời qua trường Tiểu học Trung Tự để dựng và dạy các em học sinh một tiết mục hát xẩm để trường tham dự cuộc thi Giai điệu tuổi hồng. Có cái khó là hầu như khi hỏi các em đều chưa biết đến xẩm, ít nghe nhạc truyền thống dân tộc, trong khi để hát xẩm được cần phải thuộc giai điệu, cần phải hiểu được tinh thần của xẩm để có cách nhấn nhá cho đúng tính chất âm nhạc. Sau vài buổi làm việc đã chọn ra được chừng sáu giọng hát chính, nhưng tập được mấy buổi thì hơn nửa các em xin không tham gia vì không thể hát được. Ngay cả Chí Bách, con trai NSƯT Hoàng Tùng cũng một mực xin thôi vì không thích hát xẩm, chỉ thích hát nhạc mới, vui nhộn. Cũng may cô hiệu trưởng cùng các thầy cô đều quyết tâm, các bậc phụ huynh cũng luôn sát cánh, cuối cùng, một tiết mục hát xẩm đặt lời mới có nội dung về trường lớp thầy cô và bạn bè dựa trên bài xẩm Bốn mùa hoa Hà Nội cũng đã dàn dựng xong.

Đáng nói là chính tiết mục này đã mang đến thành công rực rỡ cho trường Tiểu học Trung Tự đợt thi năm ấy khi đoạt giải cao ở cấp Quận, được chọn đi thi cấp thành phố cũng được giải cao. Giải thưởng không chỉ tạo niềm hân hoan cho thầy cô và các con trường tiểu học mà còn cho chính chúng tôi, những người gắn bó với âm nhạc truyền thống. Điều đặc biệt hơn, qua đây, xẩm đã được nhiều em học sinh tiểu học, trung học cơ sở ở Hà Nội biết đến, cũng từ đấy, nhiều trường khai thác xẩm thành các tiết mục biểu diễn hoặc mang đi thi. Hát xẩm cứ thế mà lan tỏa tới nhiều khán giả, mọi lứa tuổi ở Hà Nội.

Cần có điều gì đó để nó thành hiện thực

Đó chỉ là một vài trong rất nhiều trường hợp chúng tôi đã trực tiếp trải nghiệm trong suốt quá trình 15 năm gắn bó với việc phục hồi và truyền bá hát xẩm. Ở góc độ khác, chỉ bấy nhiêu thôi cũng đủ để thấy người trẻ sẽ không quay lưng với nghệ thuật truyền thống. Nhưng tại sao nghệ thuật truyền thống vẫn luôn bị coi là có nguy cơ biến mất trong đời sống hôm nay? Tại sao vẫn luôn tồn tại mối lo ngại khán giả, đặc biệt lứa khán giả trẻ dửng dưng với nghệ thuật truyền thống? Chúng tôi cho rằng, những lo lắng ấy là hoàn toàn có cơ sở bởi lẽ trong đời sống ngày hôm nay, khi thế giới đã không còn khoảng cách về địa lý bởi những phát triển vượt bậc của công nghệ thì đồng nghĩa có quá nhiều luồng văn hóa nước ngoài xâm nhập vào, giới trẻ một mặt bắt được nhịp sống, xu hướng thưởng thức của giới trẻ châu lục cũng như thế giới. Trong khi người nghe dường như luôn đặt tâm thế rằng âm nhạc truyền thống thuộc về quá khứ, quý giá nhưng chỉ dừng lại ở mức cần bảo tồn. Không kỳ vọng việc nghệ thuật truyền thống sẽ giữ ở vị trí độc tôn như một thế kỷ trở về trước trong lòng công chúng yêu âm nhạc Việt, vì điều đó là hoàn toàn không thể.

Đoàn Xuân Khanh trong lớp học full boy 2

Tuy nhiên, chúng ta hoàn toàn có cơ sở để tin rằng vẫn còn có nhiều khán giả, kể cả khán giả trẻ sẵn sàng tiếp cận với nghệ thuật truyền thống. Vấn đề là cần có những giải pháp gì để điều này trở thành hiện thực.

Chúng tôi cho rằng, muốn âm nhạc truyền thống được bạn trẻ đón nhận thì cần phải tạo điều kiện thuận lợi nhất để âm nhạc này đến được với họ. Chỉ đến thôi chưa đủ, trước khi thưởng thức cách tốt nhất là phải diễn giải làm sao để người trẻ hiểu được cái hay, cái đẹp, hiểu được ý nghĩa và giá trị của từng thể loại… Bên cạnh đó, bản thân nghệ thuật truyền thống cũng không nên quá cứng nhắc trong việc bảo tồn những giá trị xưa cũ cho dù đó là yếu tố quan trọng hàng đầu, bởi với khán giả không có khái niệm bảo tồn, cũng không có trách nhiệm phải lưu giữ mà với họ nghệ thuật nào cũng là nghệ thuật. Và đã là nghệ thuật thì chỉ có hay, hay không hay, hấp dẫn hay không hấp dẫn. Cho nên, cần phải có các cách trình diễn làm sao cho hấp dẫn nhất, chấp nhận những thay đổi trong phạm vi có thể để nghệ thuật truyền thống gần hơn với khán giả đương thời.

Và cần bồi đắp thêm giá trị của thời đại vào nghệ thuật truyền thống, góp phần giúp nghệ thuật này gần hơn với công chúng. Với bất kỳ nghệ thuật nào cũng vậy, nó chỉ có thể tồn tại khi bản thân nó nói lên tâm tư, tình cảm, nguyện vọng của công chúng đương thời mà nó phục vụ. Tất nhiên, yếu tố tài năng nghệ sĩ cũng không nên xem nhẹ.

Như vậy có nghĩa rằng, nghệ thuật truyền thống vẫn hoàn toàn có thể có đủ sức hấp dẫn người trẻ trong giai đoạn hiện nay.

Chỉ bấy nhiêu thôi cũng đủ để thấy người trẻ sẽ không quay lưng với nghệ thuật truyền thống. Nhưng tại sao nghệ thuật truyền thống vẫn luôn bị coi là có nguy cơ biến mất trong đời sống hôm nay? Tại sao vẫn luôn tồn tại mối lo ngại khán giả, đặc biệt lứa khán giả trẻ dửng dưng với nghệ thuật truyền thống?

Nguyễn Quang Long

Print

Hãy Đăng nhập hoặc Đăng ký đăng nhận xét.

Danh mục bài viết

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liện hệ quảng cáo: 024.22415051

Tổng Biên tập:NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top