Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Chính trị

19 Tháng Ba 2024

Người Hà Nội xưa với thú chơi cổ ngoạn

Chủ Nhật 26/01/2020 | 12:48 GMT+7

VHO- Đó là lớp người, ở tuổi thất thập như tôi hiện nay đều gọi họ là chú, bác. Lớp người sống vắt qua hai chế độ phong kiến, thực dân và tự do, độc lập của một nước Việt Nam mới, do Cụ Hồ và Đảng ta sáng lập, dựng xây.

Đôi choé sứ vẽ men nhiều màu của Trung Quốc thế kỷ 19

Họ thưởng ngoạn theo lối chơi amateur, vốn ảnh hưởng từ Trung Hoa láng giềng, với lối bầy đặt cổ vật trên những giá kỷ bằng gsỗ gụ, được đóng cầu kỳ trong một không gian phòng khách có sập gụ, tủ chè, salon Tàu, hoành phi, câu đối, tạo nên một không gian đầy cao sang, quyền quý của tầng lớp trên thời Hà Thành ở những thập niên đầu của thế kỷ trước.

Đó là lưu ảnh của một thời xa vắng còn sót lại. Lối bầy đặt như thế được gọi là cổ đồ, hao hao như nghệ thuật sắp đặt, khiến người thăm viếng choáng ngợp, cảm nhận được ngay vị thế của chủ nhà, ít nhất cũng là công chức Tây hay cao hơn là tư sản, địa chủ.

Một xu hướng chơi khác, hàn lâm và chuyên nghiệp hơn, ảnh hưởng từ phương Tây, qua văn hóa Pháp và Mỹ du nhập vào, tác động tới tầng lớp trí thức, xuất thân từ những gia tộc giàu có, họ chơi theo sưu tập. Đó là những sưu tập gốm cổ, tiền cổ, đồng hồ cổ, tranh cổ, v.v... Lối chơi sưu tập đòi hỏi một kiến thức hiểu biết sâu và rộng, để nhận ra giá trị bản chất của từng sưu tập cổ vật, theo đó, sự nghiệp sưu tầm của những sưu tập gia “miên miên vô tận kỳ”, khiến không ít người say đắm theo đuổi hơn cả gái đẹp, rượu Tây.

Theo đuổi và tiêu biểu cho hai lối chơi ấy của người Hà Nội xưa, theo tôi có bốn người, được xem như là “tứ kiệt”, trong số những người được đếm trên đầu ngón tay của người chơi thời ấy mà tôi đã từng được kiến diện, đàm đạo ở một thời mới nhập môn.

Chuyện I

Cụ Đức Minh, một tư sản có dãy cửa hàng ở phố Tràng Tiền mang tên Đức Minh, Đức Âm, nổi tiếng với thú chơi tranh. Tranh nhà cụ treo la liệt từ cầu thang vào trong phòng, khiến giờ đây, nếu quy đổi thành tiền, khó có thể hình dung được tài sản, cho dù, qua những cuộc trò chuyện với thầy Trần Quốc Vượng, khi ấy tôi mới là cậu học trò nhỏ, theo ông đến thăm cụ trong mỗi dịp Tết đến xuân về, hóng hớt được hay, đó là sự say đắm không thể tính nổi bằng tiền.

Vào phòng khách của cụ lại là lối bầy đặt cổ đồ, với lọ, bình gốm sứ trên giá, kỷ. Cụ đưa ra một chiếc đĩa men ngọc thời Tống đựng nho khô, pha trà đãi chúng tôi bằng bộ đồ da chu thời Thanh và bảo rằng: “Hôm nay, chúng ta thử làm vua”. Câu nói ấy, chứng tỏ, cụ hiểu những đồ đang dùng thuộc về “ngự dụng”. Nho khô và trà sen, thời chiến tranh chống Mỹ, đâu dễ gì với người dân Hà Nội.

Khi cụ mất, khối tài sản kếch sù bị thất tán. Gần đây, người con trai sưu tầm trở lại, mở một bảo tàng có tên Đức Minh ở Sài Gòn, nhưng chẳng thấm tháp so với những gì tôi thấy ở nhà cụ vào những thập niên 70 của thế kỷ trước.

Sưu tập gốm men Việt Nam thế kỷ 14-15

Chuyện II

Cụ Huệ Muối, nhà ở phố Hàng Muối, tại một ngôi biệt thự khiêm nhường với hai tầng lầu cổ kính. Phòng ngoài là những đồ gốm thô được bầy trên giá kệ, với những bình, vò, nồi, bếp thời hậu Đông Sơn, mà qua lời tự bạch, cụ phải lần mò đến những nơi bom rơi, đạn nổ thời chống Mỹ để sưu tầm, cũng là do ngành nghề chủ thầu xây dựng giúp cụ. Vóc dáng cụ Huệ cao to, đầu húi cua, nói tiếng Pháp như người Việt ăn rau muống, nhưng tính tình cởi mở, đôn hậu và bình dân. Tính cách ấy khiến cụ chẳng nề hà gì, đưa chúng tôi vào phòng ngủ, lôi ra một bộ trà sứ xanh - trắng có hiệu đề “Đại Thanh Càn Long niên chế”, mỏng như giấy, trong như ngọc, kêu như chuông mà cụ đã sưu tầm được qua một cuộc đổi chác dầy công và khủng khiếp: Năm năm theo đuổi và một ngôi biệt thự ở cuối phố Bà Triệu.

Nói về cuộc đổi chác ấy, cụ bà xéo mắt, mủm mỉm cười, dường như có đôi chút trách yêu, pha lẫn niềm tự hào về một người chồng đam mê đến tột độ cổ vật, khiến bà không lâm vào cảnh thê thiếp ở một người đàn ông tài ba, giàu sang và điển trai ở một thời tráng niên, vẫy vùng ngang dọc.

Chuyện III

Cụ Lâm, chủ một quán cà phê ở phố Phan Thanh Giản, nay là phố Nguyễn Hưu Huân, nơi các văn nghệ sĩ thường hay lui tới. Cụ sưu tầm nhiều tranh của các họa sĩ thời Mỹ thuật Đông Dương, thông qua những cuộc đổi chác thân hữu: cà phê và tranh. Với tính cách đơn giản, dễ gần, khiến các họa sĩ mến mộ và sự đam mê đến cuồng nhiệt tài năng của họ từ cụ. Họ uống cà phê tháng và trả tiền bằng tranh khiến cho bộ sưu tập có đủ tứ trụ “Nghiêm - Liên - Sáng - Phái” và nhiều danh họa khác. Năm 1995, tôi có dịp sang thăm Cộng hòa Pháp, đến Bảo tàng Picatso, ông giám đốc bảo tàng này nói rằng, họ đang nhận sưu tập tranh của Cafe Lâm để trưng bày, nhân dịp khai trương Bảo tàng, với một số tiền bảo hiểm cao ngất trời. Ngoài tranh, cụ Lâm cũng chơi cổ vật. Một trong những ấn tượng nhất, đó là người bạn vong niên đã quá cố của tôi, nhà báo, nhà kinh doanh nghệ thuật Việt kiều Hà Thúc Cần, năm 1984, về nước, thực hiện cuốn sách “Trống đồng Đông Sơn” mà tôi là một trong những người giúp ông thực hiện công trình ấy. Ông đến Cà phê Lâm để sưu tầm tranh, nhưng thấy ở đó có chiếc rìu đồng lưỡi xéo “chó đuổi hươu” rất điển hình của văn hóa Đông Sơn và đã hỏi mua bằng bất cứ giá nào. Ông Lâm nhất quyết không bán, dù đã nhiều lần dạm hỏi và dù biết Hà Thúc Cần là người có nhà xuất bản Đông Sơn và Công ty Óc Eo ở nước ngoài, hẳn là một đối tác lâu dài. Về nói với tôi chuyện này, Hà Thúc Cần ước rằng, cả ngôi nhà ấy bị cháy rụi để đến mót chiếc rìu đồng trên đống tro tàn đổ nát. Đó là một ước nguyện thể hiện sự cháy bỏng của hai tính cách đam mê mà tiền bạc không thể giải quyết.

Cách sắp đặt theo cổ đồ

Chuyện IV

Cụ Bá Đạm, một giáo viên trường làng, ngay ven sông Tô Lịch, sống trong một ngôi nhà cổ, mà thời xưa cũ, ngôi nhà ấy thuộc vào hạng có một không hai ở một làng ven đô có bề dày lịch sử. Tôi đến thăm cụ vào thập kỷ 90 của thế kỷ trước, quá khứ vàng son của gia tộc vẫn còn đọng lại từ khuôn viên, sân vườn và nội thất, nhưng gia cảnh lúc ấy đã túng quẫn bởi đồng lương hưu ít ỏi, với bộn bề những chi phí lo toan. Cụ có tranh của Bùi Xuân Phái vẽ tặng vì là thân hữu. Cụ có sưu tập tiền cổ Việt Nam, cả chất liệu kim loại và giấy, và nghe đâu, cụ đam mê đến mức, đổi cả tranh Phái vẽ chân dung Bá Đạm, để lấy những đồng tiền cổ.

Năm 2012, tôi đến với một tâm thế khác, giúp cho người bạn, tiếp thu sưu tập tiền của cụ, mà theo ông, từ khi đứa con đầu lòng một tuổi, ông đã theo đuổi, đến nay, nó đã hai mươi lăm, cụ mới đồng ý nhượng lại với “bộn tiền”, như người bạn tôi tâm sự. Thế nhưng, khi gặp mặt, tôi thấy những giọt lệ rơi trên đôi khóe mắt, khi đứa con dứt ruột đẻ ra phải ra đi, ở tuổi cửu tuần, khiến không còn sức lực chăm bẵm và đắp bồi cho sưu tập. Tay cụ run run, mở từng hòm đạn, trong đựng những đồng tiền cổ, có lý lịch rõ ràng, chứng tỏ một người chơi có nghề. Trong số những đồng tiền ấy, tôi đọc được một đoạn là: “mua từ chủ nhà Băng Đông Dương, khi ông này về nước năm 1954”.

Sau khi bạn tôi sở hữu, nhờ tôi đưa một chuyên gia cổ tiền học ở Quảng Tây (Trung Quốc) giám định lại, mới hay, cụ nhầm lẫn quá nhiều, tiền Trung Quốc, tiền Nhật Bản với tiền Việt Nam có chung niên hiệu. Một cuộc “lọc máu” được tiến hành, với “bộn tiền” được đầu tư, để đến hôm nay, sưu tập vẫn mang tên Bá Đạm, được các nhà nghiên cứu trong nước và nước ngoài đánh giá rất cao, với nhiều đồng tiền hiếm quý vào bậc nhất trong các triều đại phong kiến Việt Nam.

Những phác thảo chân dung về những sự đam mê, về những nhân cách, về lối sống của người Hà Nội xưa trong làng chơi cổ ngoạn, chắt lọc và điển hình qua bốn nhân vật, thiết nghĩ sẽ là những tấm gương cho hôm nay, với hàng nghìn nhà sưu tập trong cả nước, đang được luật pháp và chính sách nhà nước mở đường, cần tạo nên một sân chơi văn hóa lành mạnh hơn, xứng đáng với tinh thần “thưởng ngoạn” của thú chơi cao sang vốn có ngay từ thuở mới khai sinh.

TS. Phạm Quốc Quân

Print

Hãy Đăng nhập hoặc Đăng ký đăng nhận xét.

Danh mục bài viết

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
192021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liện hệ quảng cáo: 024.22415051

Tổng Biên tập:NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top