Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Chính trị

19 Tháng Ba 2024

Mạng xã hội và “cậu bé” Việt Nam

Chủ Nhật 26/01/2020 | 11:09 GMT+7

VHO- Xu thế đang hướng đến là kiểm soát thời gian sử dụng mạng xã hội. Theo công ty GlobalWebIndex có trụ sở tại London phân tích dữ liệu từ 45 thị trường internet lớn nhất thế giới và ước tính thời gian mỗi người dành cho các trang hoặc ứng dụng mạng xã hội tăng từ khoảng 90 phút mỗi ngày năm 2012 lên 143 phút trong ba tháng đầu năm 2019.

Hình ảnh ấn tượng Lễ ra mắt mạng xã hội Lotus của VCCorp . Ảnh: Kenh14.vn

Theo Hootsuite và We Are Social, năm 2019 toàn thế giới có 3,4 tỉ người tham gia tích cực vào mạng xã hội, trong đó có 3,2 tỉ người sử dụng điện thoại di động. So với năm 2018, đã có thêm 288 triệu người tham gia vào mạng xã hội, đạt mức tăng trưởng khoảng 9%.

Cũng theo báo cáo này thì Việt Nam hiện có 62 triệu người tham gia vào mạng xã hội, đạt mức tăng trưởng là 13%. Năm 2019 đã có thêm 7 triệu người Việt Nam tham gia vào các mạng xã hội. Như vậy số người sử dụng mạng xã hội hiện chiếm 64% trên tổng dân số 96 triệu người. Theo Reuters, mạng xã hội được đông đảo người Việt Nam sử dụng nhất là Facebook với 58 triệu người dùng trong năm 2019, chiếm 60% dân số. Ngoài vị trí là mạng xã hội dẫn đầu thế giới, Facebook còn sở hữu công cụ nhắn tin Messenger, Whatsapp và mạng Instagram cũng được sử dụng khá phổ biến ở Việt Nam.

Mạng xã hội có người dùng đông thứ hai là Zalo với 47 triệu người, chiếm 48% dân số, theo thống kê của Viện Chiến lược thông tin và truyền thông công bố vào đầu năm 2019. Tuy nhiên trên thực tế, đa số người dùng sử dụng Zalo cho việc nhắn tin, còn tỉ lệ dùng Zalo để viết bài, kết bạn, chia sẻ tin tức và hình ảnh, v.v... vẫn không phải là số lớn. Chiếm vị trí thứ ba là Youtube với 22 triệu người dùng, chiếm 22% dân số. Đây là mạng chia sẻ video yêu thích nhất của người Việt và cũng là kênh quảng cáo trực tuyến hữu hiệu. Tuy nhiên cũng chính Youtube  là mạng xã hội liên quan đến nhiều vụ việc nổi cộm gần đây ở Việt Nam và trên thế giới.

Ứng dụng Mocha của Viettel. Ảnh: Viettel

Các mạng xã hội thu hút một lượng người dùng Việt Nam đáng kể khác gồm có Twitter (chiếm 13% dân số), Pinterest (11%), Instagram (2%) theo số liệu 2019 của StatCounter. Có thể kể thêm một vài mạng khác có số người tham gia ít hơn như mạng nghề nghiệp LinkedIn, mạng chia sẻ video Tik Tok, Line, Reddit, Flickr, Tumblr,...

Năm 2019 đánh dấu sự bùng phát trở lại của việc hình thành những mạng xã hội của người Việt Nam. Tháng 7.2019, mạng Gapo của Công ty cổ phần công nghệ Gapo chính thức ra mắt cho phép nhắn tin, đăng bài, kết bạn, like và chia sẻ. Gapo chính thức nhận được cam kết đầu tư 500 tỉ đồng từ G-Capital. Khoản đầu tư này dự kiến được sử dụng trong giai đoạn một của dự án, nhằm đạt 50 triệu người dùng vào năm 2021.

Tháng 9.2019, cộng đồng mạng lại chứng kiến sự xuất hiện của mạng xã hội Lotus của VCCorp với màn ra mắt hoành tráng. Tại buổi lễ, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng đã phát biểu: “Mạng xã hội Lotus là sự gặp nhau của những người làm công nghệ khát khao một mạng xã hội đời mới, cách tiếp cận mới, công nghệ mới, đáp ứng những nhu cầu mới và những nhà đầu tư Việt Nam có khát vọng Việt Nam hùng cường, kết hợp với chương trình Make In Vietnam của Chính phủ”. Lotus được đầu tư số tiền 1.200 tỉ đồng với kỳ vọng thu hút 4 triệu người dùng. Khác với Facebook, Lotus phát triển mobile app trước còn trang web vẫn đang trong tình trạng phát triển dở dang.

Trước đó, một số mạng xã hội đã tạo được dấu ấn như Mocha của Viettel, mạng du lịch Astra trên nền tảng blockchain, mạng du lịch Hahalolo, mạng VCNET… Việc phát triển mạng xã hội ở Việt Năm thời kỳ trước đây không diễn ra suôn sẻ. Mạng xã hội đầu tiên của Việt Nam là Tamtay.vn sau 11 năm hoạt động cũng đã chính thức đóng cửa vào năm 2018. Một số mạng có sự trợ giúp của các ông lớn công nghệ cũng không thể trụ được như Zing Me của Vinagame, Banbe.net của FPT Online, Go.vn của  VTC…

Nỗ lực xây dựng mạng xã hội Việt Nam đã được sự ủng hộ mạnh mẽ của Bộ TT&TT. Theo dữ liệu của Bộ này, từ 2014 đến 2018, Bộ đã cấp 455 giấy phép thiết lập mạng xã hội trên mạng. Có thể hiểu được mong muốn của Chính phủ Việt Nam khi chứng kiến một số quốc gia thành công trong việc xây dựng các mạng xã hội cho riêng mình.

Trải nghiệm và giới thiệu mạng xã hội Lotus. Ảnh: Kenh14.vn - Đức Huy

Trong khi ở Việt Nam, Facebook vẫn đang là “ông vua” của mạng xã hội thì tại quê hương của nó là Hoa Kỳ đang bắt đầu có sự dịch chuyển. Theo một khảo sát của SurveyMonkey có tới 30% thanh niên trong độ tuổi 13-21 không còn hứng thú với Facebook. Thay vào đó, họ quan tâm đến các ứng dụng mới như Snapchat hay Kik.

Xu thế thứ hai là sự quan tâm đến dữ liệu cá nhân. Chúng ta còn nhớ tháng 8.2018 lãnh đạo của hãng Facebook thừa nhận dữ liệu của 87 triệu người dùng đã bị Facebook ngầm chia sẻ cho hãng Cambridge Analytica. Vụ scandal này làm dấy lên lo lắng về an toàn dữ liệu cá nhân. Trong một nghiên cứu gần đây, hãng bảo mật Kapersky cho biết cứ 10 người thì có 4 người (38%) sử dụng mạng xã hội cân nhắc sẽ bỏ mạng xã hội để bảo vệ quyền riêng tư về dữ liệu, cho dù Facebook, Youtube, Instagram đang là một phần không thể thiếu của cuộc sống hiện đại.

Nếu như trước đây, người dùng vô tư cung cấp dữ liệu cá nhân cho các trang mạng thì bây giờ họ trở nên cảnh giác hơn bao giờ hết. Cung cấp ngày sinh, số điện thoại, thông tin tài khoản có thể mang tới những hiểm họa không ngờ cho bản thân và gia đình.

Việc sử dụng quá nhiều thời gian lướt mạng xã hội đang ảnh hưởng tới việc học tập, công việc và mối quan hệ của người hiện đại. Người sử dụng quá nhiều mạng xã hội đang bộc lộ một số vấn đề tâm lý như hội chứng yêu mình thái quá (NPD), trầm cảm, hội chứng hùa theo đám đông hay những vấn đề về sức khỏe như rối loạn giấc ngủ và ăn không ngon.

Nghiên cứu của Pew Research Center trong năm 2018 cho thấy có 59% người được hỏi nói rằng không quá khó để từ bỏ mạng xã hội. Ý thức được những mặt tích cực và tiêu cực của mạng xã hội, lựa chọn cho mình những ứng dụng phù hợp và tự bảo vệ mình trước thất thoát thông tin cá nhân đang là những xu hướng nổi bật của năm 2019.

Hãng bảo mật Kapersky cho biết cứ 10 người thì có 4 người (38%) sử dụng mạng xã hội cân nhắc sẽ bỏ mạng xã hội để bảo vệ quyền riêng tư về dữ liệu, cho dù Facebook, Youtube, Instagram đang là một phần không thể thiếu của cuộc sống hiện đại.

TRẦN ĐÀO ANH

Print

Hãy Đăng nhập hoặc Đăng ký đăng nhận xét.

Danh mục bài viết

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
192021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liện hệ quảng cáo: 024.22415051

Tổng Biên tập:NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top