Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Chính trị

19 Tháng Ba 2024

Phát triển bền vững là câu chuyện của hôm nay và ngày mai

Thứ Ba 21/01/2020 | 10:51 GMT+7

VHO- Chia sẻ về một năm với những kỳ tích mới được thiết lập, Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Ngọc Thiện cho rằng, ngành VHTTDL đã tìm trong thách thức để thấy cơ hội, tìm ra thuận lợi trong những khó khăn, biến niềm tin thành sức mạnh để gặt hái thành công… “Toàn ngành đã đạt được những thành tựu đáng ghi nhận nhưng để phát triển bền vững thì đòi hỏi phải nỗ lực nhiều hơn nữa. Và đó sẽ là câu chuyện, không chỉ của hôm nay mà còn của cả ngày mai”, Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện đã nhấn mạnh như vậy trong cuộc trò chuyện với Văn Hóa trước thềm  xuân Canh Tý.

Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Ngọc Thiện

Văn hóa đạt được nhiều thành tựu đáng ghi nhận

Không chỉ thành công trên lĩnh vực được đông đảo người hâm mộ và nhân dân yêu thích, quan tâm là thể thao, đặc biệt là bóng đá, trong năm qua, ở lĩnh vực văn hóa và gia đình, chúng ta cũng đã đạt được nhiều thành tựu đáng ghi nhận, thưa Bộ trưởng?

- Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện: Tin vui trong những ngày cuối năm 2019 là Thực hành Then của người Tày, Nùng, Thái ở Việt Nam được ghi danh vào Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Việc được UNESCO ghi danh đã khẳng định bản sắc văn hóa phong phú của dân tộc Việt Nam, sự gắn kết cộng đồng, tôn trọng đa dạng văn hóa, khuyến khích đối thoại giữa các cá nhân, các cộng đồng và các dân tộc khác nhau vì sự khoan dung, tình yêu và lòng bác ái đúng theo tôn chỉ và mục tiêu của Công ước 2003 của UNESCO về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể. Sau khi được UNESCO ghi danh, chúng ta cũng sẽ thực hiện các biện pháp cần thiết nhằm bảo vệ các giá trị của Thực hành Then để di sản này được bảo tồn và phát huy.

Bên cạnh đó, trong năm qua, công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực văn hóa đã giành được nhiều kết quả nổi bật như việc thẩm định hồ sơ, xếp hạng thêm nhiều di tích quốc gia; quyết định đưa 30 di sản văn hóa phi vật thể vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia; hoàn thiện các hồ sơ “Nghệ thuật Xòe Thái”, “Nghệ thuật Làm gốm của người Chăm” đệ trình UNESCO. Công tác phong tặng danh hiệu cho các nghệ nhân đã có cống hiến xuất sắc trong việc gìn giữ và phát huy di sản văn hóa phi vật thể của dân tộc cũng đặc biệt được quan tâm. Công tác quản lý lễ hội từng bước đi vào nền nếp, các lễ hội điểm nóng đã dần dần thay đổi cách thức tổ chức để phù hợp với đời sống đương đại như chọi trâu Hải Phòng, Hội Gióng đền Sóc, Hội Phết Hiền Quan, lễ hội Đền Trần… Chúng ta cũng đã đẩy mạnh Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” và thực hiện các tiêu chí về văn hóa trong Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Trong xây dựng lối sống, nếp sống, việc nêu gương người tốt, việc tốt, phê phán cái xấu, tiêu cực trong xã hội đã được ngành văn hóa thực hiện thường xuyên, liên tục, tạo hiệu ứng lan tỏa tốt trong xã hội.

Đặc biệt, Bộ cũng đã xây dựng, tiếp thu, hoàn thiện dự án Luật Thư viện, vừa được Quốc hội thông qua tại phiên họp cuối năm. Hiện tại Bộ cũng đang xây dựng Luật Điện ảnh (sửa đổi) để trình Quốc hội. Bên cạnh đó, công tác quản lý về bản quyền tác giả ngày càng đạt hiệu quả tích cực, đóng góp quan trọng vào việc đẩy lùi vấn nạn xâm phạm bản quyền tác giả, đánh cắp chất xám trên nhiều lĩnh vực sáng tạo; Bộ cũng đã tổ chức Hội nghị sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết số 33 về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước, Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2020… Kết quả của các hội nghị tổng kết này sẽ là những thông tin quan trọng để chúng ta xây dựng chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030. Việc xây dựng các văn bản luật, chiến lược này đồng thời là cơ sở nền tảng để phát triển văn hóa một cách bền vững.

Đối với lĩnh vực quản lý nhà nước về gia đình, Bộ đã hoàn thiện dự thảo Hồ sơ trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị về “Đẩy mạnh công tác phòng, chống bạo lực gia đình”; tổ chức triển khai xây dựng “Đề án xây dựng cơ sở dữ liệu về gia đình đến năm 2025”; triển khai điều tra thực địa, đánh giá tác động và nhu cầu xây dựng cơ sở dữ liệu về gia đình tại tỉnh Hậu Giang và Hải Phòng. Tổ chức thí điểm bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình năm 2019 và triển khai thực hiện tuyên truyền về Bộ tiêu chí về phòng, chống bạo lực gia đình trên các phương tiện truyền thông đại chúng. Hoàn thiện Báo cáo thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em phục vụ giám sát chuyên đề của Quốc hội năm 2020.

“Thực hành Then của người Tày, Nùng, Thái của Việt Nam vừa được UNESCO đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại

Du lịch, thể thao đều về đích ngoạn mục

Ở hai lĩnh vực du lịch và thể thao, những bước tiến của cả hai lĩnh vực trong mấy năm gần đây luôn được đánh giá cao, thậm chí đã đạt được những dấu ấn chưa từng có trong lịch sử. Vậy ông đánh giá sao về điều này, thưa Bộ trưởng?

- Với ngành du lịch, từ năm 2015 đến 2018, khách quốc tế tăng gần hai lần, từ 8 triệu lên 15,5 triệu và tốc độ tăng trưởng là 25%/năm. Việt Nam cũng trở thành một trong 10 quốc gia có tốc độ tăng trưởng cao nhất thế giới và khách nội địa tăng 1,4 lần từ 57 triệu lên 80 triệu vào năm 2018, đóng góp 8,4% GDP.

Cũng trong năm 2019, Việt Nam đón khoảng 18 triệu lượt khách quốc tế, tăng trưởng khoảng 16% so với năm 2018. Với kết quả trên, Du lịch Việt Nam đã về đích trước 1 năm so với mục tiêu đề ra trong Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 16.01.2017 về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn (đón 17-20 triệu lượt khách quốc tế vào năm 2020) và vượt chỉ tiêu 80% so với mục tiêu tại Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn 2030 là đạt từ 10- 10,5 triệu khách quốc tế vào năm 2020. Trong năm 2019, Việt Nam cũng được trao nhiều giải thưởng Du lịch danh giá. Đặc biệt lần đầu tiên, vượt qua Trung Quốc, Ai Cập, Việt Nam được vinh danh ở hạng mục “Điểm đến Di sản hàng đầu thế giới”. Đây là giải thưởng do Tổ chức Giải thưởng Du lịch thế giới (WTA) trao cho Việt Nam.

Từ năm 2016 đến nay, chúng ta cũng ghi thêm nhiều dấu ấn mới trong lịch sử ngành thể dục thể thao nước nhà. Trước hết, không thể không nhắc đến chiếc HCV Olympic 2016 môn Bắn súng của xạ thủ Hoàng Xuân Vinh. Chiếc HCV danh giá này đã mở ra một thời kỳ mới, kéo theo nhiều thành công mới của Thể thao Việt Nam. Trước đó, chúng ta chưa từng nghĩ năm 2016 sẽ là thời điểm thể thao Việt Nam có vàng tại Olympic. Nhưng phát súng chuẩn xác của Hoàng Xuân Vinh đã tạo dựng niềm tin để chúng ta vững vàng vươn lên những đỉnh cao mới. Trong số những thành tích đáng tự hào của thể thao Việt Nam thời gian qua, tôi ấn tượng là ngôi vị Á quân của đội tuyển U23 châu Á rồi chiếc Cúp vàng AFF Cup hay lần đầu tiên lọt vào bán kết Asian Games. Đầu năm 2019, đội tuyển bóng đá nam quốc gia cũng đã thi đấu rất ấn tượng, vào đến tứ kết Asian Cup 2019 hay đội tuyển U23 thắng Thái Lan 4-0 để đứng đầu bảng K, vào chung kết Giải U23 châu Á, đội tuyển bóng đá nữ lần thứ 3 lên ngôi vô địch Giải bóng đá nữ Đông Nam Á, đội tuyển quốc gia thi đấu đầy khởi sắc tại Vòng loại World Cup. Gần đây nhất, là ngôi vô địch SEA Games lần đầu tiên trong lịch sử của đội tuyển nam hay thành tích đứng thứ hai toàn đoàn của Đoàn Thể thao Việt Nam tại SEA Games 30...

Để có được những thành tựu trên trong cả 4 lĩnh vực, là sự cố gắng, nỗ lực không ngừng của toàn ngành và những người làm công tác VHTTDL&GĐ trên cả nước. Tuy nhiên, dù vui mừng trước những kết quả đã đạt được nhưng chúng ta vẫn còn những tồn tại, khó khăn cần được khắc phục.

Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện tại buổi Gặp mặt chúc mừng HLV, VĐV đạt thành tích cao tại SEA Games 30. Ảnh: Trần Huấn

Kết quả là đáng mừng nhưng vẫn còn đó những trăn trở

Vậy những tồn tại, hạn chế đó là gì, thưa Bộ trưởng?

- Trước hết, sự phát triển của lĩnh vực văn hóa hiện nay đang đứng trước nhiều thách thức, bất cập, nảy sinh nhiều vấn đề cần phải tập trung giải quyết như tình trạng đạo đức xã hội xuống cấp vẫn chậm được khắc phục, công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa còn chưa được coi trọng, có hiện tượng tận thu trong khai thác giá trị di tích. Nguồn lực đầu tư cho tu bổ, giữ gìn di sản văn hóa còn thấp, nhất là trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể; kinh phí đầu tư cho hoạt động biểu diễn nghệ thuật, thư viện, bảo tàng còn hạn hẹp, nhiều nơi bị cắt giảm hoặc không có kinh phí khiến các đơn vị nghệ thuật, thư viện, bảo tàng gặp khó khăn trong hoạt động. Bên cạnh đó, công tác quản lý nhà nước về di sản tại nhiều địa phương còn lỏng lẻo, để xảy ra nhiều vụ xâm phạm, tu bổ di tích gây bức xúc trong dư luận như sự việc xảy ra ở chùa Bối Khê, Vịnh Hạ Long, Mã Pì Lèng, Cột cờ Lũng Cú; việc kiểm duyệt và cấp phép điện ảnh còn nhiều bất cập, cần điều chỉnh trong thời gian tới… Ở lĩnh vực gia đình, nguồn lực đầu tư còn hạn chế, năng lực đội ngũ làm công tác gia đình chưa đồng đều. Tình trạng bạo lực gia đình vẫn còn xảy ra; hoạt động của các mô hình về gia đình có nơi còn hình thức, chất lượng chưa cao…

Trong lĩnh vực du lịch, nguồn kinh phí cho công tác quảng bá, xúc tiến du lịch chưa đáp ứng được yêu cầu. Cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch chưa đồng bộ; nguồn nhân lực du lịch chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển, thiếu về số lượng, phân bố lao động không đồng đều, thiếu nguồn nhân lực chất lượng cao; sản phẩm du lịch chưa đặc sắc, đa dạng, chưa có nhiều sản phẩm chất lượng và giá trị cao; công tác quản lý điểm đến vẫn còn một số tồn tại như công tác bảo đảm an ninh, an toàn, vệ sinh môi trường vẫn còn nhiều thiếu sót, rác thải ô nhiễm, tai nạn, ảnh hưởng đến an toàn của khách du lịch tại các điểm du lịch còn xảy ra, đặc biệt vào các dịp lễ hội, mùa cao điểm du lịch.

Về thể dục thể thao, hoạt động thể dục thể thao quần chúng tuy có bước phát triển nhưng chưa đồng đều giữa các vùng, miền; hệ thống thiết chế thể thao cơ sở, đặc biệt là cơ sở vật chất phục vụ tập luyện cho nhân dân còn thiếu thốn, lạc hậu, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, nông thôn, miền núi, hải đảo và đồng bào dân tộc. Đáng chú ý là đất dành cho hoạt động thể dục thể thao ở các đô thị lớn còn thiếu, chưa được các cấp, các ngành quan tâm đúng mức. Công tác giáo dục thể chất trong trường học chưa được quan tâm đúng mức. Hệ thống các cơ sở, sân bãi phục vụ giáo dục thể chất và thể thao trường học còn thiếu thốn, lạc hậu, không chỉ trong các trường phổ thông mà cả trong khối các trường đại học, cao đẳng. Nội dung môn học thể dục trong chương trình chính khóa chậm đổi mới, chưa thực sự tạo được sự hứng thú cho học sinh, sinh viên. Thành tích thể thao đã có bước phát triển, song chưa vững chắc. Kinh phí hoạt động từ ngân sách còn hạn chế, việc ứng dụng khoa học công nghệ và y học thể thao còn nhiều hạn chế để nâng cao thành tích và nhất là mục đích chính của hoạt động thể dục thể thao là nâng cao tầm vóc, thể lực người Việt Nam vẫn chưa đạt được.

Với những tồn tại đó, nhiệm vụ chính của ngành trong năm 2020 là phải dần khắc phục những điểm yếu để hướng tới sự phát triển bền vững.

Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện cùng các Bộ trưởng, Trưởng đoàn tham dự Diễn đàn Du lịch ASEAN do Việt Nam đăng cai tổ chức tại Quảng Ninh, tháng 1.2019.  Ảnh: Trần Huấn

Phát triển bền vững là câu chuyện của hôm nay và ngày mai

Bộ trưởng đã từng nói, giành được thành tích đã khó, giữ được thành tích lại càng khó hơn. Đó cũng là câu chuyện về sự phát triển bền vững mà ông và toàn ngành luôn trăn trở?

Đúng là trong thời gian qua ngành VHTTDL&GĐ đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận. Nhưng để phát huy thành tích đó, để hướng tới sự phát triển bền vững, chúng ta còn nhiều việc phải làm.

Ở lĩnh vực văn hóa, để thực sự hướng tới sự phát triển bền vững, thứ nhất, chúng ta cần nâng cao nhận thức của toàn xã hội về vị trí, vai trò của văn hóa, để từ đó khẳng định văn hóa là nền tảng tinh thần, vừa là mục tiêu, vừa là động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế, xã hội; văn hóa là hệ điều tiết của sự phát triển xã hội, và phải được đặt ngang hàng với kinh tế, chính trị, xã hội. Thứ hai, xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, tạo điều kiện để phát triển văn hóa, con người Việt Nam. Môi trường văn hóa lành mạnh thì gia đình, nhà trường và xã hội sẽ là nơi hình thành, nuôi dưỡng, vun đắp nhân cách văn hóa và giáo dục lối sống cho con người để cái tốt, cái thiện được bảo vệ, nhân lên; cái xấu, cái ác bị lên án, bài trừ. Thứ ba, tăng cường xây dựng văn hóa trong chính trị và kinh tế để văn hóa điều tiết các hoạt động chính trị và kinh tế, xem văn hóa là một giải pháp để thực hiện các chủ trương của Đảng về chống tham nhũng, xây dựng đạo đức, tác phong trong Đảng, xây dựng văn hóa doanh nghiệp và đạo đức doanh nhân; Thứ tư, để văn hóa gắn kết chặt chẽ và thấm sâu vào toàn bộ đời sống xã hội thì phải quan tâm xây dựng đời sống văn hóa cơ sở. Đồng thời, đầu tư cho văn hóa tinh hoa, tạo điều kiện cho cá nhân và cộng đồng được tham gia sáng tạo và hưởng thụ văn hóa. Thứ năm, phát huy sứ mệnh của văn học nghệ thuật, vai trò của văn nghệ sĩ đối với xây dựng đạo đức, văn hóa ứng xử, đề cao và lan tỏa những giá trị chân - thiện - mỹ được hình thành qua các tác phẩm văn học nghệ thuật. Thứ sáu, phải tăng cường đầu tư nguồn lực xứng đáng cho văn hóa tương xứng với vai trò của văn hóa, đặc biệt là nguồn nhân lực. Thứ bảy, tăng cường hội nhập quốc tế về văn hóa, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại, đồng thời giới thiệu, quảng bá văn hóa Việt Nam ra bạn bè thế giới.

Còn với ngành du lịch, để du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn thì trước hết cần tiếp tục đổi mới nhận thức về phát triển du lịch là ngành kinh tế tổng hợp đa ngành, đa lĩnh vực mang tính xã hội hóa cao. Tiếp đến là phải tăng cường công tác xúc tiến quảng bá du lịch, phối hợp công - tư trung ương, địa phương, ứng dụng công nghệ; tiếp tục đơn giản hóa tạo điều kiện thuận lợi cho khách du lịch khi đến Việt Nam. Bên cạnh đó, chúng ta cần chú trọng phát triển nguồn nhân lực, tập trung đào tạo kỹ năng nghề cho lao động du lịch, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao, đa dạng hóa thị trường du lịch, đa dạng hóa sản phẩm du lịch, đẩy mạnh liên kết du lịch và đẩy mạnh xã hội hóa du lịch trong đầu tư cơ sở hạ tầng, dịch vụ du lịch…

Về lĩnh vực TDTT, chúng ta cần tiếp tục đẩy mạnh Cuộc vận động Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại để phát triển mạnh mẽ hơn nữa phong trào thể dục thể thao cho mọi người; tiếp tục hướng dẫn các địa phương thực hiện Chương trình Bơi an toàn phòng chống đuối nước trẻ em năm 2019 và Đề án tổng thể phát triển thể lực, tầm vóc người Việt Nam giai đoạn 2011-2030; chú trọng hơn nữa đến công tác đào tạo, xây dựng lực lượng VĐV đỉnh cao kế cận bên cạnh việc áp dụng khoa học TDTT vào công tác huấn luyện để giúp các VĐV nâng cao thành tích; đẩy mạnh công tác xã hội hoá hoạt động TDTT…

Để thực hiện được các nhiệm vụ trên, đòi hỏi sự nỗ lực hơn nữa của tập thể cán bộ, công chức, viên chức, người lao động đang làm việc trong các đơn vị trực thuộc Bộ VHTTDL và những người làm công tác VHTTDL&GĐ trên toàn quốc. Nhân dịp năm mới Canh Tý 2020, tôi chúc toàn ngành mạnh khỏe, hạnh phúc và thành công để thực hiện tốt nhiệm vụ đưa ngành VHTTDL&GĐ phát triển bền vững cùng đất nước. Đó sẽ là câu chuyện không chỉ của hôm nay mà còn là của ngày mai. Qua đây, tôi cũng xin gửi lời chúc năm mới an khang- thịnh vượng đến độc giả của Báo Văn Hóa. Mong bạn đọc luôn đồng hành cùng Báo, cùng ngành trong sự nghiệp phát triển VHTTDL&GĐ của đất nước!

Xin cảm ơn và chúc Bộ trưởng năm mới với nhiều thành công cùng ngành VHTTDL&GĐ!

Thưa Bộ trưởng, trước hết xin được chúc mừng ông và toàn ngành VHTTDL với một kỳ SEA Games thành công nhất trên sân khách với 98 HCV, trong đó lần đầu tiên Bóng đá đoạt 2 HCV cả nam và nữ. Thành tích này đã làm nức lòng người hâm mộ cả nước, tạo không khí vui vẻ, phấn khởi trước Tết Nguyên đán. Vậy với tư cách là người đứng đầu ngành VHTTDL, chắc chắn Bộ trưởng cũng có nhiều cảm xúc?

- Tôi cũng như người hâm mộ và nhân dân cả nước đều vui mừng, phấn khởi trước thành tích của Đoàn TTVN, trong đó có 2 đội tuyển Bóng đá. Đây cũng là kỳ SEA Games đầu tiên trên sân khách chúng ta vượt qua Thái Lan để đứng thứ hai; lần đầu tiên đoạt 2 HCV môn Bóng đá; lần đầu tiên có HCV môn Bóng đá nam; lần đầu tiên có HCV môn Quần vợt; lần đầu tiên có 2 HCĐ môn Bóng rổ… Và thêm nữa, là sự thành công của các môn thể thao Olympic như Điền kinh, Bơi, Cử tạ… Chiến thắng của Đoàn Thể thao Việt Nam trong đó có chiến thắng thuyết phục của đội tuyển U22 đã làm cho niềm vui được nhân lên trên mọi nẻo đường, con phố, từ nông thôn tới thành thị, đâu đâu cũng tràn đầy tinh thần chiến thắng. Một lần nữa xin được cảm ơn Đoàn TTVN vì đã mang lại những cảm xúc tuyệt vời cho nhân dân Việt Nam, trong đó có tôi, trong những ngày giáp Tết Nguyên đán này.

THU SÂM (thực hiện)

Print

Hãy Đăng nhập hoặc Đăng ký đăng nhận xét.

Danh mục bài viết

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liện hệ quảng cáo: 024.22415051

Tổng Biên tập:NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top