Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Chính trị

19 Tháng Ba 2024

Những cung đường du xuân

Thứ Hai 20/01/2020 | 11:22 GMT+7

VHO- Vài ngày nữa là đến Tết Nguyên đán Canh Tý 2020, nhưng đâu đó trên những cung đường đã thấy sắc Xuân tràn khắp những ngõ phố, những đỉnh núi, những triền đồi xanh thắm.

 Làng hoa Cái Mơn, huyện Chợ Lách, Bến Tre Ảnh: PHƯƠNG LAN

Rực rỡ sắc hoa miền Tây Bắc

Ở miền Bắc, vùng Tây Bắc, Đông Bắc với bạt ngàn hoa mận, hoa đào, hoa cải… và trang phục rực rỡ của đồng bào vùng cao khiến khách du lịch bị mê hoặc. Trong đó, Mộc Châu (Sơn La) - xứ sở của hoa đào, hoa mận là một trong những điểm được khách du lịch khao khát khám phá những ngày xuân về. Lướt trên những lối mòn, những đỉnh núi ở Mộc Châu, mùa này đào nở đỏ thắm, mận trắng muốt và cải vàng khắp lối. Ngay trước Tết, Công ty Topas Explorer Group đã tổ chức giải chạy địa hình Vietnam Trail Marathon với sự tham gia của hàng trăm du khách trong nước và quốc tế. Cuộc đua diễn ra vào đúng thời điểm hoa đào, mận bung nở, tạo nên một không gian chạy bộ hoàn toàn khác biệt, không giống bất kỳ một cuộc đua nào khác.

Cung đường chạy là kết quả từ cuộc khảo sát kỹ lưỡng qua khắp những ngọn đồi nơi đây. Du khách và vận động viên đã được khám phá các làng người dân tộc thiểu số ẩn mình trong những trùng điệp đồi núi. Chạy xuyên qua những cánh đồng hoa trắng, những đồi chè mướt xanh và những vườn cây ăn quả. Chia sẻ tình cảm ấm áp với người dân địa phương, ngắm nhìn lũ trẻ vùng cao đang chơi đùa trên những tảng đá lớn cùng những chú ngựa, lừa, trâu… dưới tán cây mận xù xì, rêu mốc, hoa bay lả tả.

Thế nhưng, cung đường du xuân quen thuộc ở miền Bắc vẫn là: Hà Nội - Ninh Bình - Hạ Long - Sa Pa. Các công ty lữ hành cho biết, chỉ còn vài ngày nữa là chốt lịch các tour du lịch này để chuẩn bị dịch vụ tốt nhất phục vụ khách. Ở miền Trung, hành trình Đà Nẵng - Hội An - Huế - Quảng Bình được khách du lịch đăng ký tour Tết nhiều hơn cả. Trong đó, Huế, Hội An là những điểm đến mà khách du lịch có thể cảm nhận rõ nhất hơi thở, mùi vị ngày Tết cổ truyền của dân tộc. Các di tích, đền chùa, điện miếu ở Huế chưa bao giờ vắng khách những ngày đầu năm mới. Dường như chỉ ở cố đô thâm trầm, cổ kính này người ta mới thực sự thấy sự bình yên, dịu dàng của mùa xuân.

Theo Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế, từ ngày 23 tháng Chạp đến ngày mùng 7 Tết Nguyên đán Canh Tý, tại khu vực Đại nội (Kinh thành Huế) sẽ diễn ra nhiều chương trình, hoạt động đặc sắc tái hiện Tết cổ truyền Cung đình Huế. Theo đó, ngày 23 tháng Chạp tại Triệu Miếu, Thế Miếu, điện Long An diễn ra nghi lễ dựng cây Nêu; ngày 24 tháng Chạp tại cung Diên Thọ diễn ra chương trình “Hương xưa bánh Tết”. Vào thời khắc Giao thừa đón mừng năm mới Canh Tý sẽ tổ chức bắn súng lửa Thần Công, chiếu sáng Kỳ Đài Ngọ Môn. Trong các ngày mùng 1, 2, 3 Tết, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế sẽ mở cửa tự do, miễn phí vé tham quan các địa điểm di tích cho người dân và du khách đến du xuân. Trong ba ngày đầu năm mới Canh Tý sẽ diễn ra lễ Đổi gác tại cửa Ngọ Môn, ở sân điện Thái Hòa diễn ra trình tấu Tiểu nhạc, múa lân sư rồng, biểu diễn võ thuật cổ truyền, trình diễn thư pháp, các trò chơi cung đình… Ngày mùng 7 tháng Giêng sẽ diễn ra lễ hạ cây Nêu, khai ấn tân niên, tặng chữ chúc xuân tại Thế Miếu và điện Long An.

Cà phê ngắm phố Hội An

Khám phá thiên nhiên và tìm hiểu văn hóa

Còn ở Hội An (Quảng Nam), đã nhiều năm khách chen chân những ngày Tết Nguyên đán chỉ để cảm nhận sự nồng nàn, sâu lắng của con người và cảnh vật nơi đây. Hoặc ngồi nhâm nhi ly cà phê nóng trên sân thượng một ngôi nhà cổ, nghĩ về những ngày tháng đã qua và những gì đang tới, nhìn phố rộn ràng phía dưới để thấy sự yên tĩnh bên mình. Có rất nhiều hoạt động chào mừng xuân mới diễn ra ở phố cổ Hội An. Từ ngày 17.1 – 8.2, thành phố Hội An tổ chức “Hội Tết Nguyên đán Canh Tý, Hội An - 2020” với nhiều hoạt động phong phú và đa sắc màu, mang đến cho người người dân và du khách bầu không khí tươi vui trong dịp Tết đến Xuân về. Nổi bật là chương trình văn nghệ mừng xuân, trò chơi dân gian, đua ghe truyền thống và đặc biệt là các hoạt động gắn với các lễ hội truyền thống đầu xuân như lễ hội Cầu Bông, lễ tế tiền hiền, ngày hội Bắp nếp Cẩm Nam… trên các tuyến phố cổ, các điểm tham quan, các làng nghề truyền thống, các nhịp cầu nối đôi bờ sông nước, các công viên, không gian công cộng.

Khác với miền Bắc chơi đào, quất trong nhà, ở miền Trung, trước cửa nhà nào cũng có một cây mai cao lớn, thẳng tắp, tán rộng, hoa nở vàng rực hoặc 2 bụi cúc vàng, 2 bụi thược dược, 2 bụi hoa hồng… Khắp các cổng ngõ, mùi hương trầm ngào ngạt, đám trẻ con líu lo trong tà áo dài, tay cầm phong bao lì xì, theo người lớn đi chúc Tết. Đúng là chỉ ở đất kinh kỳ, mộng mơ này mới thấy rõ nhất phong vị truyền thống ngày xuân. Miền đất hoa Đà Lạt (Lâm Đồng) dường như năm nào cũng thu hút khách vì vẻ đẹp ôn hòa nhưng không kém phần rực rỡ. Nhưng mấy năm nay, khách đã không còn tập trung quá nhiều ở trung tâm Đà Lạt mà thích khám phá những cung đường mới trên cao nguyên. Khách du lịch được khuyên ở những homestay được thiết kế tỉ mỉ ở ngoại ô, khám phá cảnh đẹp ở huyện Lạc Dương, huyện Đức Trọng… Ở những nơi mà có khi chỉ có đường mòn nhưng bất chợt gặp một cây hoa anh đào nở rực rỡ hay một con đường hoa dã quỳ, có thể khiến trái tim bạn rung động mãnh liệt.

Cách đây vài năm, mồng 1 Tết đám bạn bè chúng tôi chạy ô tô từ TP.HCM qua Vũng Tàu, nghỉ vài ngày rồi lại chạy tiếp Phan Thiết- Mũi Né (Bình Thuận), có một buổi sáng được ngắm bình minh ở mũi Kê Gà. Được lãng du những ngày đầu năm trên cung đường ven biển đẹp nhất Việt Nam là chuyến đi để đời của chúng tôi. Mấy năm gần đây, cung đường này được rất nhiều du khách yêu thích, khám phá và ngày càng đông, đến nỗi nếu không đặt trước, sẽ khó mà có nơi nghỉ ngơi, ăn uống.

Miền Tây cũng là mảnh đất mà khách du lịch có thể khám phá thiên nhiên và tìm hiểu văn hóa truyền thống những ngày đầu năm mới. Các công ty lữ hành đã xây dựng những chương trình du xuân được giới thiệu là khách sẽ không thể quên khi tới Hòn Sơn (Kiên Giang). Hòn Sơn rất thích hợp để khách “đi trốn” ngày Tết, tìm lại những giây phút bình yên sau một năm quay cuồng, vất vả. Có thể chỉ một vài ngày ở nơi hoang sơ với cát trắng, nắng vàng và hàng dừa lặng lẽ nơi đây, thưởng thức những món hải sản tươi ngon nhất do ngư dân vừa đánh bắt du khách sẽ thấy, kỳ nghỉ của mình vô cùng thú vị. Và vườn quốc gia Tràm Chim, rừng tràm Trà Sư, Cù lao Thới Sơn, vườn trái cây Cái Mơn… cũng là những địa điểm mà các công ty lữ hành uy tín gợi ý, khuyên khách không nên bỏ qua dịp Tết Nguyên đán 2020. 

BẢO AN

Print

Hãy Đăng nhập hoặc Đăng ký đăng nhận xét.

Danh mục bài viết

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liện hệ quảng cáo: 024.22415051

Tổng Biên tập:NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top