Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Chính trị

19 Tháng Ba 2024

Xây dựng thư viện Hoàng Sa: Không bao giờ quên biển đảo của Tổ quốc

Thứ Hai 20/01/2020 | 11:04 GMT+7

VHO- Thư viện Hoàng Sa, một công trình văn hóa có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đã được chính quyền huyện Hoàng Sa (Đà Nẵng) phát động xây dựng vào cuối tuần qua. Sự kiện này thêm một lần nữa truyền đi thông điệp nhắc nhở các thế hệ hôm nay và mai sau không bao giờ được quên quần đảo thân yêu này của Tổ quốc.

UBND huyện Hoàng Sa tiếp nhận tư liệu, hiện vật do các đơn vị, cá nhân trao tặng trong lễ phát động xây dựng Thư viện Hoàng Sa

 “Chúng tôi mong muốn thư viện Hoàng Sa ra đời sẽ không chỉ là nơi tham quan mà còn là nơi phục vụ nhu cầu tìm hiểu về lịch sử chủ quyền dân tộc, phục vụ công tác đấu tranh, khẳng định chủ quyền biển đảo ngày càng hiệu quả hơn”, ông Võ Ngọc Đồng, Chủ tịch UBND huyện Hoàng Sa cho biết.

Sự khác biệt của Thư viện Hoàng Sa

Việc xây dựng thư viện Hoàng Sa là hoạt động ý nghĩa nhằm hệ thống hóa các tài liệu pháp lý có liên quan, các công trình nghiên cứu hướng tới xây dựng thiết chế văn hóa này trở thành một trung tâm nghiên cứu về quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa và chủ quyền biển đảo của Việt Nam. Thư viện Hoàng Sa sẽ phục vụ công tác học tập, nghiên cứu, tuyên truyền, phục vụ chung cho mọi tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước, đặc biệt là học sinh, sinh viên, đội ngũ nghiên cứu trẻ, đồng thời nâng cao ý thức, trách nhiệm của người dân trong việc bảo vệ và khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa.

“Trên cả nước hiện nay chưa có thư viện Hoàng Sa để tổ chức thu thập và hệ thống hóa sách, tư liệu về Hoàng Sa một cách đầy đủ và bài bản, đồng nghĩa với việc bạn đọc thiếu một địa chỉ để tìm kiếm, tra cứu những thông tin quan trọng về Hoàng Sa. Vì thế sự ra đời của thư viện này sẽ giải quyết được tất cả vấn đề đó”, ông Võ Ngọc Đồng, Chủ tịch UBND huyện Hoàng Sa nhấn mạnh. Đánh giá về ý nghĩa của việc xây dựng công trình thư viện Hoàng Sa, ông Bùi Văn Tiếng, Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử TP Đà Nẵng cho biết, thư viện này là nơi chuyên trưng bày sách báo, tư liệu, kể cả những sách báo, hồ sơ, tư liệu của phía Trung Quốc phục vụ cho việc nghiên cứu về vấn đề xác lập và thực thi chủ quyền của nước ta đối với quần đảo Hoàng Sa, qua đó góp phần vào cuộc đấu tranh trên lĩnh vực ngoại giao, học thuật. Mặt khác, những tư liệu này được công nhận với tư cách là bằng chứng khẳng định chủ quyền không thể tranh cãi của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa. Đó là điểm khác biệt lớn nhất của thư viện Hoàng Sa so với các thư viện khác.

Hun đúc quyết tâm xây dựng công trình thư viện Hoàng Sa và biên soạn Kỷ yếu Hoàng Sa, từ năm 2009 chính quyền huyện Hoàng Sa bắt đầu sưu tầm các hiện vật, tài liệu về Hoàng Sa. Trong quá trình sưu tập, huyện Hoàng Sa đã may mắn nhận được rất nhiều sự đóng góp rất tích cực từ nhân dân cả nước và những kiều bào xa xứ. Nhiều nhà xuất bản, nhà sách, tác giả đã hiến tặng, đóng góp các kỷ vật vô cùng quý giá là những bài báo, tư liệu viết về Hoàng Sa… Từ năm 2016 đến nay, UBND huyện Hoàng Sa đã tiếp nhận 212 hiện vật, tư liệu có giá trị lịch sử, pháp lý cao từ các tổ chức, cá nhân sưu tầm, hiến tặng. Không chỉ ở trong nước, cuộc phát động hiến tặng tư liệu, hiện vật về quần đảo Hoàng Sa của UBND huyện Hoàng Sa còn lan tỏa đến kiều bào đang sinh sống, làm việc tại nước ngoài và bạn bè quốc tế. Ông Trần Thắng, Chủ tịch Viện Văn hóa và Giáo dục Việt Nam tại Mỹ tặng 134 bản đồ về chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa. Ông Noel Rousset, công dân nước Cộng hòa Pháp đến Nhà Trưng bày Hoàng Sa để hiến tặng quyển sách viết về quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa mang tên La Souveraineté Sur Les Archipels Paracels et Spratleys (Chủ quyền trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa)…

PGS.TS Nguyễn Tấn Cường, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Hán Nôm đã tặng thư viện Hoàng Sa tấm bản đồ ghi chép chi tiết về quần đảo Hoàng Sa trong sách Hoàng Lê Cảnh Hưng bản đồ của Việt Nam (được lưu trữ ở Nhật Bản). Ông Cường cho biết, tấm bản đồ quý giá này được ông và đồng nghiệp vô tình phát hiện trong một chuyến đi công tác tại Nhật Bản: “Trong quá trình làm việc, chúng tôi ghé thăm kho sách Hán Nôm Việt Nam và phát hiện ra tập bản đồ, trước đó tấm bản đồ này chưa hề được biết đến. Trong 80 trang có một trang vẽ quần đảo Hoàng Sa của chúng ta với những mô tả rất chi tiết.

Nhận thấy giá trị của tấm bản đồ, năm 2017 tôi đã bỏ kinh phí cá nhân để chụp tập tài liệu này về và cùng đồng nghiệp thực hiện một số nghiên cứu sơ bộ, sau đó giới thiệu tấm bản đồ vào cuối năm 2017. Việc chúng ta sưu tầm tài liệu trong nước rất quan trọng, nhưng có một số tài liệu vì lý do lịch sử nào đó được lưu lại ở nước ngoài thì chúng ta cũng cần lưu tâm sưu tầm, dù cố tình hay vô tình biết sự tồn tại của tài liệu thì với ý thức trách nhiệm của người công dân Việt Nam chúng ta nên làm cách nào đó đưa tài liệu về Tổ quốc”.

 Học sinh tìm hiểu tư liệu về Hoàng Sa

Không được quên Hoàng Sa

“Việc phát động xây dựng thư viện Hoàng Sa đã truyền đi thông điệp nhắc nhớ mỗi người dân Việt Nam cả hôm nay và mai sau, đặc biệt là thế hệ trẻ không được quên Hoàng Sa. Tôi mong rằng đông đảo bạn đọc sẽ tìm đến để tra cứu, nghiên cứu và chia sẻ thông tin. Đây là cách tốt nhất để thư viện phát huy được giá trị giáo dục, tuyên truyền cho thế hệ trẻ trong cuộc đấu tranh bảo vệ tổ quốc. Là nơi gặp gỡ của các nhà nghiên cứu để giới thiệu ấn phẩm, tài liệu trưng bày về Hoàng Sa. UBND huyện Hoàng Sa sẽ tạo mọi điều kiện tốt nhất để các nhà nghiên cứu khai thác tư liệu, và cho ra đời những sản phẩm chất lượng, có hiệu quả, được đông đảo quần chúng nhân dân tìm đọc và biết đến. Tôi cũng mong rằng nơi đây không chỉ là nơi cung cấp tri thức mà còn hun đúc ngọn lửa đấu tranh bảo vệ chủ quyền của Việt Nam đối với Hoàng Sa nói riêng và biển đảo Tổ quốc nói chung”, ông Võ Ngọc Đồng chia sẻ.

Chứng kiến lịch sử dân tộc qua những tư liệu được trưng bày, em Nguyễn Huỳnh Kim Ngân (lớp 8/2 trường THCS Hoàng Sa) cho rằng, xây dựng thư viện Hoàng Sa là một việc làm ý nghĩa để tri ân những hy sinh của các thế hệ đi trước: “Qua những tư liệu ở Nhà trưng bày Hoàng Sa, chúng em đã biết thêm rất nhiều thông tin về lịch sử cũng như ý chí của cha ông trong cuộc chiến bảo vệ chủ quyền Tổ quốc. Nhiều người đã đổ máu để giữ từng tấc đất của dân tộc được toàn vẹn, điều đó thế hệ trẻ nên biết, gìn giữ và trân trọng, không bao giờ được phép quên”. Không giấu nổi những giọt nước mắt khi hồi tưởng về quá khứ và đồng đội, ông Trần Văn Sơn (28 Võ Văn Kiệt, Q. Sơn Trà, Đà Nẵng), một trong những người đã từng trấn giữ Hoàng Sa cho biết: Năm 1973 ông lên tàu Trần Khánh Dư cùng đồng đội trực tiếp trấn thủ Hoàng Sa và bao người đã ngã xuống mà chưa về được đất mẹ: “Bao đồng đội của tôi, hài cốt còn đang nằm dưới rạn san hô, họ đã chiến đấu hết mình để bảo vệ chủ quyền Tổ quốc”.

“Chúng tôi cho rằng để cuộc đấu tranh giành lại chủ quyền thật sự hiệu quả thì chúng ta phải giáo dục cho thế hệ trẻ ngay từ trong trường học, để các em biết rằng Hoàng Sa là của Việt Nam, cha ông ta đã từng đổ máu trấn giữ Hoàng Sa như thế nào. Ngày hôm nay tôi rất mừng và tự hào cho Đà Nẵng và huyện đảo Hoàng Sa vì vẫn còn những con người trăn trở, tri ân với lịch sử. Nhưng chúng ta không bao giờ được lãng quên Hoàng Sa thiêng liêng. Cuộc chiến đấu giành lại Hoàng Sa này sẽ phải kiên định để đạt được kết quả, dù bây giờ chưa được thì mai sau, hoặc dài hơn nữa trong tương lai, Hoàng Sa phải trở về với Việt Nam”, ông Sơn trăn trở. 

  Việc phát động xây dựng thư viện Hoàng Sa đã truyền đi thông điệp nhắc nhớ mỗi người dân Việt Nam cả hôm nay và mai sau, đặc biệt là thế hệ trẻ không được quên Hoàng Sa. Tôi mong rằng đông đảo bạn đọc sẽ tìm đến để tra cứu, nghiên cứu và chia sẻ thông tin. Đây là cách tốt nhất để thư viện phát huy được giá trị giáo dục, tuyên truyền cho thế hệ trẻ trong cuộc đấu tranh bảo vệ Tổ quốc.

(Ông VÕ NGỌC ĐỒNG, Chủ tịch UBND huyện Hoàng Sa)

 NGỌC HÀ

Print

Hãy Đăng nhập hoặc Đăng ký đăng nhận xét.

Danh mục bài viết

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liện hệ quảng cáo: 024.22415051

Tổng Biên tập:NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top