Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Chính trị

19 Tháng Ba 2024

Ghi danh UNESCO để nhấn mạnh hơn vai trò của cộng đồng

Thứ Hai 06/01/2020 | 10:26 GMT+7

VHO- Liên quan đến những tranh luận về các khái niệm di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại được UNESCO ghi danh, tại Viện VHNT Quốc gia Việt Nam, TS Frank Proschan, cựu cán bộ chương trình cao cấp của UNESCO, cố vấn UNESCO về Công ước 2003 về Bảo vệ Di sản văn hóa phi vật thể, học giả Fullbright 2019-2020 vừa tham gia vai trò diễn giả ở buổi thuyết trình: “Hiểu về các khái niệm và cách tiếp cận chính đối với di sản văn hóa phi vật thể trong Công ước 2003 về Bảo vệ Di sản văn hóa phi vật thể”.

Bà Hoàng Thị Hoa, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban VH,GD,TN,TN&NĐ của Quốc hội khẳng định những nội dung được các chuyên gia thuyết trình thảo luận đặc biệt có ý nghĩa 

Tích tụ những hiểu nhầm

TS Frank Proschan khẳng định, trong hơn một thập kỷ qua, từ khi phê chuẩn Công ước 2003 về Bảo vệ Di sản văn hóa phi vật thể, Việt Nam đã có những bước tiến lớn trong bảo vệ các di sản văn hóa phi vật thể, đặc biệt trong nâng cao nhận thức của công chúng về tầm quan trọng của nhiệm vụ cấp bách này.

“Nếu xét về nhận thức của người dân về khái niệm di sản văn hóa phi vật thể và tầm quan trọng của việc bảo vệ những di sản này thì Việt Nam là quốc gia hàng đầu không chỉ ở châu Á và Thái Bình Dương mà còn trên phạm vi toàn cầu”, TS Frank Proschan nhấn mạnh. Ông cũng lưu ý rằng đang có một số cách hiểu sai và quan niệm sai lầm về di sản văn hóa phi vật thể ở Việt Nam. Tuy nhiên, những quan niệm sai lầm này không chỉ có ở Việt Nam mà còn ở nhiều quốc gia khác.

“Chúng ta thừa nhận rằng, xung quanh vấn đề di sản văn hóa phi vật thể đã tích tụ khá nhiều sự hiểu nhầm và thông tin không chính xác. Không thể đơn giản đổ lỗi hết cho truyền thông đại chúng về việc cứ tiếp tục một số quan niệm sai lầm nào đó mà phải thừa nhận rằng tất cả chúng ta đều có trách nhiệm đảm bảo các khái niệm, thuật ngữ được hiểu đúng”, TS Frank Proschan chia sẻ. Những vấn đề liên quan đến chuyện sử dụng thuật ngữ chưa chính xác đã từng được TS Frank Proschan trình bày tại hội thảo “Huy động truyền thông trong bảo tồn và phát huy di sản văn hóa phi vật thể” ở Hà Nội cách đây chưa lâu. Sau hội thảo, một số thông tin cho thấy cách tiếp cận chưa chính xác, đầy đủ đã xới lên những tranh luận, thậm chí khá gay gắt.

Tại buổi thuyết trình này, TS Frank Proschan một lần nữa mong muốn tất cả hãy cùng xem xét kỹ định nghĩa về di sản văn hóa phi vật thể trong Công ước 2003 và một số hệ quả quan trọng rút ra từ định nghĩa đó. Ông cũng bàn về vấn đề sở hữu và tại sao Công ước 2003 lại bác bỏ quan điểm di sản văn hóa phi vật thể là di sản chung của nhân loại. Theo Công ước 2003, “chính các cộng đồng, nhóm người và trong một số trường hợp là các cá nhân, những người thực hành một biểu đạt văn hóa nào đó, và chỉ họ mà thôi, mới có thể là những người công nhận nó là một bộ phận cấu thành di sản văn hóa phi vật thể của họ, và chỉ họ mới có thể xác định được giá trị của nó”.

TS Proschan nhấn mạnh: “Những người soạn thảo ra Công ước 2003 đã chủ ý không sử dụng lại cụm từ “di sản thế giới của nhân loại nói chung”, như trong ngôn từ của Công ước 1972, thay vào đó nhấn mạnh rằng di sản văn hóa phi vật thể thuộc về cộng đồng và nhóm người cụ thể”. Một lần nữa, với mong muốn loại bỏ những quan niệm sai lầm cũng như cách sử dụng sai các cụm từ, thuật ngữ liên quan đến di sản văn hóa phi vật thể, TS Frank Proschan chỉ ra 3 cụm từ có thể gây hiểu nhầm thường gặp ở Việt Nam là: Di sản văn hóa phi vật thể thế giới; Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia; UNESCO công nhận.

“Di sản văn hóa phi vật thể thuộc về cộng đồng, và chỉ duy nhất thuộc về cộng đồng. Di sản văn hóa phi vật thể không thuộc về quốc gia, nhà nước, dân tộc hay nhân loại cũng như toàn thế giới. Điều này vẫn đúng cho dù di sản đó được kiểm kê, tư liệu hóa, đăng ký, đề cử, ghi danh… Trạng thái của một di sản văn hóa phi vật thể không thay đổi được khi UNESCO ghi vào danh sách di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại hay danh sách di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp, nghĩa là di sản vẫn thuộc về cộng đồng của nó và không trở thành “di sản thế giới”, hay tài sản của nhân loại nói chung”, ông phân tích kỹ.

 Thực hành Then của người Tày, Nùng, Thái ở Việt Nam vừa được UNESCO ghi danh tại Danh sách Di sản văn hoá phi vật thể đại diện của nhân loại 

Liệu các di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại của Việt Nam có giá trị không?

Trước tâm lý nghi ngại rằng, liệu danh sách các di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại của Việt Nam được UNESCO ghi danh không có giá trị, cũng như việc Việt Nam cố gắng hoàn chỉnh hồ sơ để đệ trình UNESCO hằng năm là việc làm vô ích, PGS. TS Bùi Hoài Sơn, Viện trưởng Viện VHNT quốc gia giải thích: “UNESCO có danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại nhưng quan điểm của UNESCO cho rằng, di sản là của cộng đồng, không có di sản nào của chung nhân loại cả. Việc ghi danh là ghi danh trong một danh sách của UNESCO được các quốc gia đệ trình lên, còn chủ nhân của di sản không ai khác chính là cộng đồng”.

Theo cách cắt nghĩa này có thể hiểu: Quan họ là di sản của cộng đồng người dân ở Bắc Ninh, Bắc Giang. Không gian Văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên thuộc về đồng bào ở Tây Nguyên, hay di sản Thực hành Then của cộng đồng Tày, Nùng, Thái chứ không phải của cả nhân loại. Nhận thức được điều này giúp mỗi quốc gia thành viên xác định chủ nhân thực sự của các di sản văn hóa phi vật thể. Công ước 2003 nhấn mạnh câu chuyện cộng đồng là quan trọng nhất, cho nên khi lập hồ sơ xét ghi danh di sản văn hóa phi vật thể vào danh sách này luôn phải lấy ý kiến và có sự đồng thuận của cộng đồng.

TS Frank Proschan cũng bày tỏ quan tâm đến khái niệm sai phổ biến: UNESCO “công nhận” những hình thức cụ thể của di sản văn hóa phi vật thể khi UNESCO ghi danh di sản vào danh sách của Công ước 2003. Thực tế, chỉ có cộng đồng mới có thể công nhận di sản của chính họ. Ông nêu rõ, với người đọc tiếng Việt, cách dùng sai: “UNESCO công nhận di sản văn hóa phi vật thể” cao gấp 4 lần so với cách dùng đúng là “UNESCO ghi danh hoặc đưa vào danh sách”. Vị chuyên gia nước ngoài này cũng nhấn mạnh, việc dùng đúng thuật ngữ vô cùng quan trọng vì một trong bốn mục đích của Công ước là “nâng cao nhận thức ở cấp địa phương, quốc gia và quốc tế về tầm quan trọng của di sản văn hóa phi vật thể và của việc đảm bảo sự tôn trọng lẫn nhau”.

Mặt khác, ông chia sẻ băn khoăn với cách dùng cụm từ “di sản văn hóa phi vật thể quốc gia”. Theo đó, có một xu hướng sai lầm ở Việt Nam khi nghĩ rằng di sản văn hóa phi vật thể có thể được xếp hạng theo tầm quan trọng của nó. Chúng ta thường thấy nhiều nơi dùng những cách diễn đạt như “di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia” hoặc nhắc tới việc “xếp hạng”. Mặc dù Luật Di sản văn hóa có nhắc đến “di tích quốc gia” và “di tích quốc gia đặc biệt”, nhưng với di sản văn hóa phi vật thể thì không có hệ thống xếp hạng tương tự. “Công ước 2003 bác bỏ bất kỳ ý tưởng nào về việc xếp hạng các di sản văn hóa phi vật thể thành một hệ thống thứ bậc phân chia cao thấp, vì như chúng ta đã biết, tất cả các di sản văn hóa phi vật thể đều bình đẳng trong con mắt của những cộng đồng tương ứng sáng tạo ra chúng”, theo TS Frank Proschan.

Theo PGS.TS Bùi Hoài Sơn, trước kia UNESCO có danh sách Kiệt tác di sản phi vật thể và truyền miệng của nhân loại, Việt Nam có Nhã nhạc cung đình Huế và Không gian Văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên được ghi danh. Sau này UNESCO nhận thức khác hơn, không còn câu chuyện vinh danh “kiệt tác” nữa, bởi như thế sẽ có sự so sánh hơn hẳn của một di sản văn hóa so với di sản văn hóa khác. Công ước 2003 ra đời chính là để khắc phục tình trạng so sánh này, từ đó “đại diện của nhân loại” thay thế cho danh mục “kiệt tác”.

Viện trưởng Viện VHNT quốc gia Việt Nam cho rằng, việc được UNESCO ghi danh đối với di sản văn hóa phi vật thể rất quan trọng. Tuy nhiên, không phải khi tôn vinh thì di sản mất đi chủ sở hữu, tôn vinh để nhấn mạnh thêm vai trò của cộng đồng. “Hiện nay có tình trạng sau khi di sản được ghi danh thì cộng đồng đang sở hữu di sản bị mất quyền kiểm soát, bởi Bộ, ngành, Chính phủ lại tham gia tôn vinh, quản lý các di sản này. Đây chính là điều UNESCO muốn tránh. Việc trả di sản cho cộng đồng để những người chủ sở hữu có thể điều hành, thay đổi thì mới đảm bảo được giá trị của di sản”, PGS. TS Bùi Hoài Sơn nói. 

 UNESCO có Danh sách di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại nhưng quan điểm của UNESCO cho rằng, di sản là của cộng đồng, không có di sản nào của chung nhân loại cả. Trong ảnh: Trình diễn dân ca quan họ Ảnh: P.V 

 UNESCO có danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại nhưng quan điểm của UNESCO cho rằng, di sản là của cộng đồng, không có di sản nào của chung nhân loại cả. Việc ghi danh là ghi danh trong một danh sách của UNESCO được các quốc gia đệ trình lên, còn chủ nhân của di sản không ai khác chính là cộng đồng.

(PGS.TS BÙI HOÀI SƠN, Viện trưởng Viện VHNT quốc gia)

 

 Di sản văn hóa phi vật thể thuộc về cộng đồng, và chỉ duy nhất thuộc về cộng đồng. Di sản văn hóa phi vật thể không thuộc về quốc gia, nhà nước, dân tộc hay nhân loại cũng như toàn thế giới…Trạng thái của một di sản văn hóa phi vật thể không thay đổi được khi UNESCO ghi vào danh sách di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại... nghĩa là di sản vẫn thuộc về cộng đồng của nó và không trở thành “di sản thế giới”, hay tài sản của nhân loại nói chung.

(TS FRANK PROSCHAN, cựu cán bộ chương trình cao cấp của UNESCO, cố vấn UNESCO về Công ước 2003 về Bảo vệ Di sản Văn hóa phi vật thể)

 HOÀNG NGÂN

Print

Hãy Đăng nhập hoặc Đăng ký đăng nhận xét.

Danh mục bài viết

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liện hệ quảng cáo: 024.22415051

Tổng Biên tập:NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top