Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Chính trị

19 Tháng Ba 2024

Để phát huy nhân tố con người Việt Nam: Cần khắc phục những gì?

Thứ Sáu 03/01/2020 | 11:01 GMT+7

VHO-Chiến lược phát triển văn hóa trong giai đoạn tới cần đặc biệt chú ý đến vấn đề phát huy nhân tố con người, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững, đặc biệt trong bối cảnh cuộc sống đang chịu nhiều tác động của nền công nghệ 4.0.

Đây là nội dung được nhiều ý kiến quan tâm, bàn thảo tại Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2020 do Bộ VHTTDL vừa tổ chức.

Lan toả những giá trị đẹp trong xây dựng văn hoá con người

“Ảo hóa” tác động tính cách người Việt

Nhìn lại 10 năm thực hiện Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2020, Bộ VHTTDL dành nhiều đánh giá quan trọng đối với vấn đề phát huy nhân tố con người Việt Nam. Theo đó, Bộ VHTTDL nêu rõ về thực trạng sự xuống cấp đạo đức, lối sống của một bộ phận xã hội ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống tinh thần, môi trường văn hóa lành mạnh. Hiện tượng coi thường pháp luật, làm mất an toàn xã hội; bạo hành trong gia đình; cách ứng xử thiếu văn hóa nơi công cộng; sử dụng ngôn từ thiếu chuẩn mực trong giao tiếp làm phương hại đến sự trong sáng của tiếng Việt; sự vô cảm với nỗi đau của người khác...

So với 10 năm trước, “thế giới ảo không còn ảo nữa mà nhiều khi thật hơn thế giới thật, và chi phối thế giới thật, tác động đến việc hình thành tính cách người Việt”, PGS.TS Bùi Hoài Sơn, Viện trưởng Viện VHNT Quốc gia Việt Nam nhận định. Theo PGS.TS Bùi Hoài Sơn, con người Việt Nam hiện nay chịu rất nhiều áp lực khiến chúng ta không thể giống như trước kia được nữa. Áp lực đó đến từ tác động của nền kinh tế thị trường đối với sự phát triển văn hóa và con người hiện nay. Những quy luật, đặc điểm của nền kinh tế thị trường, trong đó có nhiều mặt trái không chỉ tồn tại trong lĩnh vực kinh tế, mà còn lan tràn ra các lĩnh vực khác của đời sống xã hội như chính trị, giáo dục, y tế, văn hóa. Đặc biệt, văn hóa được xem là lĩnh vực nhạy cảm nhất, xuyên suốt nhất của các lĩnh vực của đời sống xã hội, vì thế, không phải ngẫu nhiên, vô lý khi cho rằng, tất cả các lĩnh vực khi trục trặc gì thì lỗi cũng tại văn hóa.

“Quá trình đô thị hóa tạo ra tính vô danh của con người trong xã hội, kết hợp với xu hướng cá nhân hóa đang gia tăng trong xã hội bởi các nguyên nhân từ sự phổ biến của các phương tiện truyền thông mới như Internet, mạng xã hội hay quá trình hội nhập quốc tế sâu rộng, đã khiến cho các cá nhân quan tâm đến mình nhiều hơn, sống ích kỷ hơn, từ đó tạo ra những vấn đề đối với văn hóa nước nhà...”, ông Bùi Hoài Sơn nhấn mạnh.

 Bức ảnh có thể mờ nhòa so với cách nhìn nhận của nhiều người nhưng lại tỏa sáng một cử chỉ rất đẹp. Đó là trong một chiều mưa xối xả cách đây không lâu ở Hà Nội, một cô gái trẻ bắt gặp bà cụ đi trên đường không mặc áo mưa. Ngay lập tức cô gái vòng xe và quàng lên bà cụ chiếc áo mưa mỏng. Hành động đó được camera hành trình ghi lại và đưa lên mạng xã hội và chỉ ít phút sau thu hút sự quan tâm, chú ý rộng lớn của cộng đồng mạng vì một nghĩa cử rất đẹp của cô gái... Ảnh: MXH

Sự xuất hiện của các phương tiện truyền thông mới cũng tạo ra nhiều hiệu ứng: phương tiện mới - thói quen mới - nhu cầu mới - ngôn ngữ mới - lối sống mới. Những cách xử lý vấn đề, lối sống trước kia đôi khi không còn phù hợp, thậm chí có tác động ngược lại, cản trở sự phát triển. Cái mới chưa rõ ràng, cái cũ thì vẫn còn tồn tại dẫn đến xã hội mất phương hướng trong nhiều lĩnh vực cụ thể. Thế giới ảo bây giờ không còn ảo nữa mà nhiều khi thật hơn thế giới thật, và chi phối thế giới thật. Sự thay đổi trong gia đình và các tổ chức đoàn thể cũng ảnh hưởng đến sự phát triển của văn hóa, nhiều người bị “bơ vơ” trong chính xã hội của mình.

So với 10 năm trước, khi bắt đầu thực hiện Chiến lược phát triển văn hóa do Thủ tướng Chính phủ ban hành, khoảng cách kinh tế và môi trường văn hóa đã thay đổi rất lớn. Thu nhập đầu người gần gấp 3 so với trước. 10 năm trước, thị trường văn hóa mới manh nha hình thành, hội nhập quốc tế trên không gian mạng đã có nhưng khác xa so với bây giờ. Điều này ít nhiều ảnh hưởng đến tính cách con người Việt Nam.

Minh chứng cho những thay đổi về tính cách người Việt trong bối cảnh đời sống mới, Phó Giám đốc Sở VHTT Hà Nội Trần Thị Vân Anh nêu những ví dụ cụ thể về chính những đổi thay trong văn hóa ứng xử của người Hà Nội. Khi nói về văn hóa ứng xử của người Hà Nội, hai chữ “thanh lịch” dường như đã được đóng đinh, định vị. Nét thanh lịch của người Hà Nội được biểu hiện khá rộng, cả về tâm hồn trí tuệ, ở sự tinh tế khéo léo trong giao tiếp và thị hiếu cảm thụ, hưởng thụ… Nhưng khi Hà Nội bước vào con đường cao tốc với tốc độ đô thị hóa cao, dân số cơ học tăng nhanh, nên hiện có sự đan xen của văn hóa, đan xen phong tục tập quán của người Hà Nội và văn hóa của các vùng miền trong cả nước, thì nét thanh lịch ấy cũng phải định vị theo những nghĩa khác hơn. Nhiều hiện tượng nổi cộm khiến người ta không khỏi giật mình, lại xảy ra ngay giữa thủ đô như chửi thề nơi công cộng, nhiều fan cuồng ồn ào, la hét, quỳ trước thần tượng, nhưng lại không biết nói lời “cảm ơn” hay “xin lỗi”; một bộ phận nhà hàng mặc sức xả “bún mắng, cháo chửi” phục vụ “thượng đế”. Xây dựng văn hóa con người Hà Nội lúc này không thể là sự hoài cổ nhớ cách nghĩ, cách làm xưa mà phải chấp nhận những đổi thay, tìm ra những tinh túy để chắt lọc lấy ứng xử tốt.

 Ngày 19.11.2019, anh Bùi Quốc Tuấn (TP Hội An) đã trao lại số tiền gần 1,6 tỉ đồng cho một du khách Hàn Quốc bỏ quên. Đây là hành vi đẹp và ngày càng được nhân rộng trong người Việt

Đổi mới những gì?

PGS.TS Bùi Hoài Sơn nhấn mạnh, xây dựng con người là công việc vô cùng phức tạp, không thể chỉ một hay một vài giải pháp đột phá mà có thể giải quyết được vấn đề. Viện trưởng Viện VHNT quốc gia cho rằng, trong số những giải pháp mang tính đồng bộ, toàn diện, triệt để, cần chú ý một số giải pháp trọng tâm. Trước hết là nâng cao hơn nữa nhận thức của toàn xã hội, đặc biệt là của các nhà lãnh đạo về tầm quan trọng, vị trí của văn hóa trong phát triển con người. Xây dựng văn hóa cần được coi là một trong những khâu đột phá trong phát triển đất nước trong những năm sắp tới.

Trước thực trạng cái xấu đang tồn tại ở mức độ phổ biến, hình thành môi trường tiêu cực cho sự phát triển nhân cách con người, yêu cầu chấn chỉnh đạo đức xã hội được đặt ra cấp thiết. “Chúng ta cần khắc phục bệnh dối trá, đạo đức giả, nói không đi đôi với làm; từ các cấp lãnh đạo, quan chức phải làm gương về đạo đức, tư cách, phẩm chất đến các tầng lớp xã hội phải khắc phục bệnh thành tích, giả dối, háo danh, sống hai mặt, đồng thời củng cố niềm tin vào những mặt tốt đẹp của chế độ xã hội chủ nghĩa...”, PGS.TS Bùi Hoài Sơn nhấn mạnh.

Ngoài ra là các giải pháp: Thực thi nghiêm kỷ cương, pháp luật; tăng cường vai trò, trách nhiệm của gia đình, nhà trường, các tổ chức đoàn thể trong hoạt động giáo dục đạo đức, lối sống văn hóa; giải quyết việc làm, cải thiện, nâng cao đời sống nhân dân; có chính sách thu hút nhân tài; phát huy sứ mệnh của văn học nghệ thuật, vai trò của văn nghệ sĩ đối với xây dựng con người, tạo ra những sản phẩm và dịch vụ văn hóa Việt Nam thu hút được sự quan tâm của công chúng; đẩy mạnh xây dựng con người thông qua xây dựng môi trường văn hóa, đời sống văn hóa...

PGS.TS Bùi Hoài Sơn nhấn mạnh giải pháp nâng cao trách nhiệm của báo chí, thông tin truyền thông trong đấu tranh phòng và chống suy thoái đạo đức, lối sống. Theo đó, báo chí cần định hướng, tạo làn sóng mạnh mẽ trên các phương tiện truyền thông về việc chống suy thoái đạo đức, lối sống; đi đầu trong biểu dương nhân tố tích cực, điển hình tiên tiến, gương người tốt việc tốt; phát hiện tiêu cực, tham nhũng, lãng phí, quan liêu, tệ nạn xã hội. Xây dựng văn hóa phản biện trong xã hội, đặc biệt là phản biện trên các phương tiện truyền thông mới, dần dần hình thành bộ nguyên tắc đạo đức trong phản biện xã hội. 

 Những cách xử lý vấn đề, lối sống trước kia đôi khi không còn phù hợp, thậm chí có tác động ngược lại, cản trở sự phát triển. Cái mới chưa rõ ràng, cái cũ thì vẫn còn tồn tại dẫn đến xã hội mất phương hướng trong nhiều lĩnh vực cụ thể. Thế giới ảo bây giờ không còn ảo nữa mà nhiều khi thật hơn thế giới thật, và chi phối thế giới thật. Sự thay đổi trong gia đình và các tổ chức đoàn thể cũng ảnh hưởng đến sự phát triển của văn hóa, nhiều người bị “bơ vơ” trong chính xã hội của mình.

(PGS.TS BÙI HOÀI SƠN)

 HÀ PHƯƠNG

Print

Hãy Đăng nhập hoặc Đăng ký đăng nhận xét.

Danh mục bài viết

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liện hệ quảng cáo: 024.22415051

Tổng Biên tập:NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top