Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Chính trị

19 Tháng Ba 2024

Chuyện “3 không” ở làng Canh Tiến

Thứ Sáu 03/01/2020 | 10:13 GMT+7

VHO- Làng Canh Tiến, xã vùng cao Canh Liên, huyện Vân Canh (Bình Định) hàng trăm năm nay vẫn tồn tại “3 không”: Không đường, không điện, không trạm y tế và kể cả nước sạch sinh hoạt. Trải qua bao khó khăn, đồng bào làng Canh Tiến vẫn gắn bó với cuộc sống nơi núi rừng, và mong mỏi có một con đường, có điện phục vụ sinh hoạt, sản xuất để cuộc sống ngày một phát triển…

Đến nay làng Canh Tiến vẫn chưa có hệ thống lưới điện quốc gia kéo về

 Xã Canh Liên có 8 thôn, làng nhưng làng Canh Tiến là vùng khó khăn nhất. Địa hình, phương tiện đi lại và đường sá cách trở là một rào cản lớn để Canh Tiến phát triển. Niềm ao ước bao đời của đồng bào dân tộc thiểu số nơi đây là có đường giao thông về tới làng, thuận tiện cho việc đi lại, phát triển kinh tế, xã hội. Ngôi làng nằm ẩn khuất bị bao bọc bởi núi, rừng và lòng hồ Núi Một rộng lớn. Không có đường giao thông vào làng, địa hình, phương tiện đi lại khó khăn nên cũng không thể lắp đặt hệ thống lưới điện, trạm phát sóng, sóng điện thoại khiến cho ngôi làng gần như bị biệt lập. Vào làng Canh Tiến, chỉ có thể đi bằng đường mòn từ xã Canh Hiệp qua đèo Nha Sam hoặc đi đò ngang từ hồ Núi Một, xã Nhơn Tân, thị xã An Nhơn.

Để vào được làng, chúng tôi phải nhờ các cán bộ bảo vệ rừng phòng hộ đầu nguồn hồ Núi Một (thuộc Ban quản lý rừng phòng hộ đầu nguồn huyện Vân Canh) dẫn đường. Trên yên chiếc xe máy tự độ, qua những đoạn đường gồ ghề quanh lòng hồ, anh Hoàng, cán bộ Ban quản lý rừng phòng hộ chia sẻ, may mắn thời gian này vẫn chưa mưa nhiều nên đi vào làng Canh Tiến khá thuận lợi. Vì nếu có mưa lớn, lòng hồ đầy nước thì buộc phải đi xuồng. Thường mùa khô mà đi xe máy vào làng mất khoảng chừng 45 phút, nhưng đi xuồng phải mất 90 phút…

Ông Đinh Văn Canh, người uy tín ở làng Canh Tiến chia sẻ, đã có nhiều chính sách, chương trình hỗ trợ, nhưng làng vẫn còn thiếu đường, thiếu điện, thiếu nước sạch sinh hoạt…, vì thế làm cho ngôi làng gần như bị cô lập với thế giới bên ngoài. Mỗi lần trong làng có người bệnh hoặc phụ nữ sinh đẻ thì rất khó khăn di chuyển đến trạm y tế xã. Làng hiện có 2 dân tộc sinh sống chủ yếu là Bana và Chăm H’roi. Nông nghiệp chủ yếu là sản xuất lúa nước nhưng một năm chỉ làm được một vụ; ngoài ra, đồng bào còn thu lượm vật liệu cây rừng (chò, chai) để đem ra bán cho thương lái làm nón lá hoặc chăn nuôi gia súc và trồng keo lai…

Làng Canh Tiến có 150 hộ với 520 nhân khẩu thì có tới 147 hộ thuộc diện hộ nghèo và cận nghèo. Những năm gần đây, bà con trong làng nhận giao khoán, chăm sóc bảo vệ rừng theo Nghị quyết 30a của Chính phủ, vừa làm thay đổi nhận thức của bà con về việc bảo vệ và phát triển rừng, vừa nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống kinh tế gia đình. Mấy năm nay, cứ đến mùa khô bà con lại thiếu nước sinh hoạt. Cả làng có 8 bể chứa nước nhưng chỉ có 3 bể có nước, trong khi hộ dân đông nên thường xuyên thiếu nước. Nguồn nước sinh hoạt ở làng Canh Tiến đang sử dụng là nguồn nước tự chảy, lấy nước từ trên thác, suối.

Nhiều bà con thổ lộ, điện lưới chưa có nên để có điện sử dụng nhiều hộ đã sử dụng máy phát điện. Tại làng có khoảng chục hộ có máy phát điện, hộ nào dùng điện chung thì trả tiền dầu cho chủ hộ; hoặc có hộ dùng đèn năng lượng mặt trời. Mặc dù không có hệ thống điện, nhưng bà con giúp đỡ, chia sẻ nhau nên hộ nào cũng có điện để dùng, không phải thắp sáng bằng đèn dầu. Bên cạnh đó, nhờ có sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, đồng bào được tiếp cận và vay vốn Ngân hàng chính sách để làm ăn, chăn nuôi, trồng trọt, nương rẫy.

Anh Đinh Văn Chiến, Trưởng Ban quản lý làng Canh Tiến bộc bạch, thời gian qua, đời sống của bà con đã có nhiều đổi thay. Trẻ em trong làng đến độ tuổi đến trường đều được đi học. Cái chữ giờ không còn khó với đồng bào nữa. Niềm vui tiếp nữa là làng sắp có nhà văn hóa với diện tích 250m2 đang xây dựng... Song trên tất cả, đồng bào nơi đây vẫn mong ước có một con đường lớn dẫn vào làng, điện đưa đến từng hộ dân và đất sản xuất nông nghiệp. 

 PHAN HIẾU

Print

Hãy Đăng nhập hoặc Đăng ký đăng nhận xét.

Danh mục bài viết

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liện hệ quảng cáo: 024.22415051

Tổng Biên tập:NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top