Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Chính trị

19 Tháng Ba 2024

Vỡ òa với “Thương ca tiếng Việt”

Thứ Hai 30/12/2019 | 10:56 GMT+7

VHO- “Tiếng Việt và chữ Việt không chỉ là những trang lịch sử để chúng ta có thể nhớ về, mà còn là hành trang mà mỗi người con đất Việt mang theo trên những hành trình phía trước”.

Đó cũng chính là thông điệp mà các sinh viên lớp Quản lý văn hóa 11.3, Trường ĐH Văn hóa TP.HCM đã chuyển tải trong chương trình nghệ thuật “Thương ca tiếng Việt” vừa diễn ra cuối tuần qua.

Xem chương trình, khán giả không khỏi vỡ òa với nhiều cảm xúc, từ trầm trồ kinh ngạc cho sự đầu tư chỉn chu, nghiêm túc đến rưng rưng bởi câu chuyện của các bạn kể về sự thăng trầm của tiếng Việt và chữ Việt trong tiến trình lịch sử từ buổi dựng nước cho đến khi chữ Quốc ngữ ra đời. Có thể nói, các sinh viên đã có một bài kết thúc học phần thành công ngoài mong đợi.

“Thương ca tiếng Việt” là chương trình biểu diễn nghệ thuật với mục đích giúp người Việt Nam và cả người nước ngoài hiểu thêm về quá trình hình thành và phát triển của ngôn ngữ Việt Nam cũng như văn hóa Việt Nam nhân dịp kỷ niệm 100 năm chữ Quốc ngữ. Với gần 90 phút trên sân khấu, “Thương ca tiếng Việt” đã mang đến không gian nghệ thuật chuyên nghiệp, đặc sắc và quyến rũ khán giả với đa dạng các tiết mục từ kịch nói, múa, hát, nhạc kịch kết hợp với hiệu ứng màn hình LED để diễn giải tiến trình ra đời và phát triển của tiếng Việt và chữ Việt qua mấy nghìn năm lịch sử.

Chương trình mở đầu bằng tiết mục hài kịch Chung một mái nhà, lấy bối cảnh tại chợ Bến Thành, một địa danh văn hóa của vùng đất Sài Gòn - TP.HCM, nơi hội tụ văn hóa của nhiều vùng miền khác nhau cùng đến để lao động, học tập, sinh sống. Ở đây, các nhân vật nói bằng tiếng Việt theo giọng đặc trưng của từng vùng miền, từ đó tạo ra những tình huống hài hước cười ra nước mắt, nhưng sâu thẳm trong mỗi người là tình yêu dành cho âm điệu của quê hương… Sau tiết mục mở màn, sân khấu được thiết kế hoành tráng và chuyên nghiệp, các tiết mục chia thành 8 phân đoạn thể hiện những cột mốc lịch sử hình thành và phát triển của tiếng Việt và chữ Việt.

Những tiết mục thể hiện diễn trình lịch sử sự ra đời và phát triển tiếng Việt và chữ Việt trong chương trình

Ở phân đoạn sự kiện lịch sử Ngô Quyền đánh bại quân Nam Hán trên sông Bạch Đằng đã mở ra thời kỳ độc lập vàng son trong lịch sử Việt Nam. Bản tuyên ngôn độc lập đầu tiên của Lý Thường Kiệt một lần nữa khẳng định chủ quyền đất nước về mặt văn tự. Tuy ảnh hưởng của thời kỳ Bắc thuộc vẫn còn nặng nề, nhưng dưới vòm trời độc lập tự do, người Việt có cơ hội phát triển tiếng Việt của mình. Chốn triều đình, khoa bảng dùng chữ Hán để ghi chép, nhưng trong dân gian vẫn rộn ràng lời nói, câu hát quê hương mà chữ Hán vẫn chưa ghi chép hết được. Đến phân đoạn 5 là giai đoạn chữ Nôm xuất hiện qua việc lịch sử ghi công nhà nho Hàn Thuyên với văn bản chữ Nôm xa xưa nhất còn tìm thấy được vào thế kỷ 13.

Bằng thứ chữ viết dân tộc ấy các thi nhân lỗi lạc như Nguyễn Trãi, Nguyễn Du đã nâng tiếng Việt lên tầm tinh hoa trác tuyệt, thành tiếng của khí tiết, tiếng của nghĩa tình, tiếng của lòng thương, của sự tri âm, của tình tri kỷ. Thơ văn chữ Nôm phát triển đến mức ấy không thể không kể đến công lao của Hoàng đế Quang Trung, người đã nâng Chữ viết dân tộc lên địa vị đỉnh cao về mặt chính trị, khi ông chọn chữ Nôm làm văn tự chính thức trong hệ thống hành chính và khoa cử thay cho chữ Hán. Phân đoạn 6 với việc hình thành chữ Quốc ngữ. Sân khấu miêu tả giữa những lớp sóng cuộn lịch sử cuối thế kỷ 16, đầu thế kỷ 17 đã thoáng thấy những con sóng đến từ Tây Dương, mang theo cả một nền văn minh xa lạ, trong đó có những chữ viết La-tinh trong kinh sách của những vị cha cố người Bồ Đào Nha. Đó là khởi nguồn của một thứ chữ viết mới để ghi âm tiếng Việt về sau được gọi là chữ Quốc ngữ…

“Xem chương trình, mỗi người Việt sẽ càng thấy tự hào hơn về ngôn ngữ quê hương, cũng như người nước ngoài cũng có dịp hiểu, yêu và xem trọng tiếng Việt”, ca sĩ Kyo York đã chia sẻ như vậy sau khi xem và là khách mời tham gia biểu diễn tại chương trình. Đến với “Thương ca tiếng Việt”, chàng ca sĩ nước ngoài này đã trình diễn ca khúc Xin chào Việt Nam. Đạo diễn Hoàng Duẩn cho biết, chương trình nghệ thuật “Thương ca tiếng Việt” là sản phẩm báo cáo kết thúc học phần Đạo diễn chương trình Văn hóa - nghệ thuật; Tổ chức biểu diễn và Thiết kế mỹ thuật sân khấu được thực hiện bởi sinh viên lớp ĐH Quản lý Văn hóa 11.3, khoa Quản lý Văn hóa - nghệ thuật.

Thông qua chương trình, Ban tổ chức mong muốn khẳng định phương pháp dạy và học đúng đắn trong việc kết hợp học lý thuyết và thực hành theo định hướng ứng dụng của Nhà trường. Quan trọng hơn, các bạn đã thể hiện được sự phong phú, đa dạng và tính thẩm mỹ của ngôn ngữ, văn hóa Việt Nam, từ đó tác động vào nhận thức của thế hệ trẻ Việt Nam, nhất là trong bối cảnh văn hóa dân tộc có nguy cơ bị lấn át bởi sự du nhập ồ ạt của nhiều dòng văn hóa bên ngoài... 

 THÙY TRANG

Print

Hãy Đăng nhập hoặc Đăng ký đăng nhận xét.

Danh mục bài viết

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liện hệ quảng cáo: 024.22415051

Tổng Biên tập:NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top