Sôi động hội đua bò Bảy Núi An Giang

VHO-Ngày 28.9, nhân dịp Lễ cổ truyền Sen Dolta của đồng bào dân tộc thiểu số Khmer, Đài PTTH An Giang phối hợp UBND huyện Tri Tôn, Sở VHTTDL An Giang tổ chức Hội đua bò Bảy Núi tranh Cúp Truyền hình An Giang lần thứ 26 năm 2019.

Sôi động hội đua bò Bảy Núi An Giang - Anh 1

 

Hội đua bò Bảy Núi tranh Cúp Truyền hình An Giang diễn tại sân đua bò huyện Tri Tôn (gần hồ Soài Chek, xã Núi Tô) thu hút 64 đôi “chiến binh” đến từ các tỉnh An Giang, Kiên Giang, Sóc Trăng và thu hút gần 20 ngàn khan giả trong và ngoài tỉnh đến xem cổ vũ.

Trong đó, An Giang có 3 huyện: Tri Tôn, Tịnh Biên, Châu Thành, Châu Phú, Thoại Sơn. Tỉnh Kiên Giang gồmHòn Đất, Giang Thành, Kiên Lương và Sóc Trăng.

Sôi động hội đua bò Bảy Núi An Giang - Anh 2

Theo thể thức tranh tài từng cặp bò thi đấu loại trực tiếp, đôi thắng vào thi đấu vòng tiếp theo. Mỗi vòng đua chính, để xác định đôi bò thắng cuộc. Trên đường đua, nếu có một đôi bò phạm quy, như: tự ý ra khỏi đường đua, giẫm lên bừa của đôi bò trước… sẽ bị loại, đôi bò còn lại sẽ giành chiến thắng tiếp tục vào thi đấu vòng trong. Kết thúc các trận vòng loại đã xác định được 4 đôi bò xuất sắc nhất bước vào tranh tài ở trận bán kết.

Sôi động hội đua bò Bảy Núi An Giang - Anh 3

Hội đua bò Bảy Núi được xem là môn thể thao truyền thống đặc thù của đồng bào dân tộc thiểu số Khmer nhân dịp lễ báo hiếu Sen Dolta. Theo quan niệm của đồng bào Khmer, đua bò có một ý nghĩa hết sức đặc biệt. Đôi bò giành được giải cao trong năm không những mang lại cho chủ nhân của chúng niềm kiêu hãnh mà còn mang đến cho cả phum sóc niềm vui và hứa hẹn cho việc gieo trồng được dễ dàng, đem lại một mùa bội thu, dân làng no ấm. Sau khi thắng cuộc, giá trị đôi bò thắng cuộc cũng tăng lên rất cao nhưng người Khmer không giết, cũng không bán mà gìn giữ cặp bò chiến thắng như một tài sản quý báu của gia đình và phum sóc.

Sôi động hội đua bò Bảy Núi An Giang - Anh 4

Thông qua Lễ hội này, người dân An Giang có dịp quảng bá về tiềm năng phát triển du lịch, văn hóa truyền thống, ẩm thực phong phú của huyện Tri Tôn nói riêng, An Giang nói chung. Quan trọng hơn, Lễ hội đã góp phần giữ gìn và phát huy nét văn hóa đặc trưng của đồng bào Khmer vốn có lịch sử tồn tại hàng trăm năm qua.

NHẬT TÂN

Ý kiến bạn đọc