Suy ngẫm “từ người trong cuộc”

VHO- Trong khoảng thời gian ngắn gần đây ở lĩnh vực giáo dục đã xảy ra những vụ việc rất đau lòng, gây bức xúc đối với xã hội. Chỉ vài hôm sau vụ việc cháu L.H.L bị bỏ quên và tử vong trên xe buýt trên đường đi học thì 3 cháu bé khác ở lứa tuổi mầm non bị bỏng nặng vì cô giáo đổ cồn vào cái mâm đang cháy rừng rực, với mục đích thị phạm đám cháy cho học sinh của mình. Sau mỗi sự việc nghiêm trọng ấy dư luận lại chờ đợi sự có mặt của lãnh đạo ngành, và kỳ vọng những giải pháp quyết liệt, cụ thể, hiệu quả.

Suy ngẫm “từ người trong cuộc” - Anh 1

 Đồng thời cũng chờ đợi sự xử lý rốt ráo những nguyên nhân chủ quan hay khách quan, do sự tắc trách của con người hay lỗ hổng của chương trình, quy trình quản lý...

Thế nhưng những sự chờ đợi và kỳ vọng đó đã không diễn ra. Thay vào đó là hai văn bản gửi Sở GD&ĐT 2 địa phương được cho là chỉ đạo “nóng” về 2 vụ việc. Hai văn bản có nội dung khá giống nhau và gần như cũng giống với nhiều văn bản trước đó của Bộ GD&ĐT khi xảy ra vụ việc. Đó là nhận định “vụ việc nghiêm trọng” hoặc “đặc biệt nghiêm trọng”, “yêu cầu Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh, thành phố triển khai một số công việc”. Rồi “yêu cầu Sở phối hợp với các cơ quan chức năng điều tra, xác minh làm rõ vụ việc và xét xử nghiêm minh theo đúng quy định của pháp luật, báo cáo về Bộ trước ngày…, tăng cường các giải pháp khắc phục”...

Trao đổi với Văn Hóa vào chiều qua 13.8, PGS.TS Trần Xuân Nhĩ, nguyên Thứ trưởng Bộ GD&ĐT đã nói: “Chỉ một người dân bình thường thì khi nghe tin cháu bé bị tử vong như thế cũng đã thấy đau xót, không lẽ ngành giáo dục lại không?”. Nguyên Thứ trưởng chia sẻ, nếu bất kỳ trường nào có những hoạt động chưa chuẩn thì phải “thổi còi” ngay, phải có những chấn chỉnh tức thì. Đó mới là chức năng quản lý nhà nước. Trong khi có khá nhiều trường tự phong là trường quốc tế nhưng Bộ cũng không có ý kiến, không chấn chỉnh. Rồi ngành giáo dục cũng không biết, không quy định, không giám sát những hoạt động của trường như điều kiện đưa đón học sinh, đảm bảo an toàn cho trẻ thế nào... Trách nhiệm là ở đó chứ ở đâu!

“Tôi cũng thấy ngạc nhiên khi thấy cô giáo giảng bài cho các cháu bé ở lứa tuổi mầm non mà lại đốt cồn để tạo đám cháy. Đó là do không có hướng dẫn chu đáo dẫn đến việc hiểu không đúng về nội dung giảng dạy. Một chương trình thì phải có những hướng dẫn chi tiết, cụ thể việc thực hiện, đặc biệt là chương trình dành cho lứa tuổi mầm non. Nếu như trong hướng dẫn cho giáo viên thực hiện chương trình giảng dạy kỹ năng sống cho trẻ mầm non có hướng dẫn cách làm thế nào, có cảnh báo cụ thể không được dùng cồn, xăng, gas hay các chất dễ cháy... để tạo đám cháy thì chắc không có vụ việc như thế xảy ra. Và sau khi vụ việc xảy ra thì cần bổ sung gì, sửa đổi chương trình thế nào, tăng cường tập huấn cho giáo viên ra sao. Đó là trách nhiệm của Bộ GD&ĐT chứ không phải của bất kỳ đơn vị nào khác”.

DƯƠNG QUỐC HÙNG

Ý kiến bạn đọc