Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Chính trị

19 Tháng Ba 2024

Triển lãm Chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày: Đến đây không thể không khóc

Thứ Hai 15/07/2019 | 10:48 GMT+7

VHO- Hơn 300 tài liệu, hình ảnh, hiện vật được bài trí công phu tại triển lãm “Chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày” đã khiến người xem, không chỉ những nhân chứng lịch sử, thân nhân những chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày mà đông đảo người xem đã không thể kìm nén được xúc cảm.

 Những cựu tù chính trị năm xưa đến thăm triển lãm

Hoạt động này do Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam phối hợp với BQL Di tích Côn Đảo và Bảo tàng Chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày tổ chức hướng tới kỷ niệm 72 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27.7.1947 – 27.7.2019), tôn vinh và tri ân những chiến sĩ cách mạng đã chiến đấu, hy sinh vì độc lập, tự do của dân tộc. Triển lãm dự kiến kéo dài đến cuối tháng 8.2019.

Thắt lòng nhìn lại cảnh cha ở “địa ngục trần gian”

Thấy tôi dừng lại chụp một trong những hình ảnh về sự tra tấn khốc liệt với những chiến sĩ cách mạng năm xưa, chị Cao Thị Loan lại gần nghẹn ngào: “Bố tôi đấy...”. Trong bức ảnh mà tôi vừa chụp có hình ảnh cựu tù Côn Đảo Cao Bá Trác (thôn Hòa Bình, Trung Giã, Sóc Sơn, Hà Nội). Ông nguyên là Trưởng phòng nhà bếp, phân khu A4, là một trong số những tù binh bị tra tấn dã man. Ngày 24.12.1971, phân khu A4 tổ chức đào hầm để 41 tù binh vượt ngục an toàn. Theo sự phân công của Đảng ủy khu A2, ông Cao Bá Trác đã ở lại đấu tranh với địch. “Bố kể lại rằng, ngày hôm sau, khi phát hiện tù binh trốn trại, ông đã nhận tội thay cho mọi người, rồi bị địch đánh đập dã man trong suốt ba giờ liền. Chúng úp thùng phuy lên người ông, thay nhau dùng chày vồ, gạch đập hai bên thùng phuy, làm cho máu ở mồm, ở mũi trào ra, đau đớn toàn thân. Sau hai năm bị biệt giam, bố tôi chỉ còn da bọc xương, không ai còn nhận ra ông nữa…”, chị Loan vừa nói, vừa rơi nước mắt.

Gõ thùng là một trong những hình thức tra tấn dã man mà cai ngục nhà tù Phú Quốc đã sử dụng để tra tấn tù nhân. Chúng bắt tù binh ngồi vào thùng phuy bằng tôn, lấy cây gõ thật mạnh ở bên ngoài thùng. Người tù phải chịu lực ép của không khí cùng tiếng vang của thùng nên bị trào máu mũi, tai ù đặc, khi ra khỏi thùng thường bị điếc và loạn óc, đau đầu kinh niên. Có khi cai ngục còn đổ đầy nước vào thùng phuy và dùng cây gõ thật mạnh bên ngoài, tạo sức ép mạnh của nước, khiến người tù bị chấn thương kín, đau đớn đến ngộp thở, máu miệng, mũi trào ra, khớp xương luôn bị đau nhức và lộng óc…

Từ sớm ngày khai mạc, chị Loan đã cùng mẹ, hai anh em trai và các cháu có mặt tại phòng triển lãm. Góc phòng khiến cả gia đình ba thế hệ đứng lặng lẽ, nước mắt tuôn rơi chính là nơi trưng bày những hình ảnh nhói lòng về người chồng, người cha, người ông ở nơi “địa ngục trần gian”, nơi ông Cao Bá Trác đã hi sinh xương máu và cả tuổi thanh xuân của mình cho dân tộc. “Những câu chuyện trong khoảng thời gian bị tù đày, tra tấn dã man sau này được bố kể lại cho chúng tôi nghe rất nhiều lần. Không chỉ kể, bố còn truyền cho chúng tôi những nghị lực, lý tưởng, lẽ sống, tinh thần biết hi sinh và cống hiến. Nhờ vậy, chúng tôi đã cố gắng để sống thật tốt, xứng đáng với sự hi sinh của cha mình…”, chị Cao Thị Loan chia sẻ.

Gần 300 tài liệu, hình ảnh, hiện vật đều là những câu chuyện khiến người xem nghẹn lòng, rơi nước mắt. Không chỉ là những hình ảnh, hiện vật khái quát về hệ thống nhà tù của thực dân Pháp và đế quốc Mỹ đã giam cầm, đày ải các chiến sĩ yêu nước cách mạng Việt Nam, triển lãm còn dành một phần quan trọng để trưng bày những hiện vật, hình ảnh “biết nói”, “kể” câu chuyện ở “địa ngục trần gian”, sự hà khắc của nhà tù thực dân, đế quốc với nhiều thủ đoạn tra tấn, giết hại tù nhân một cách tàn bạo với các chiến sĩ yêu nước cách mạng Việt Nam. Các hình ảnh về các nhà tù khét tiếng của thực dân Pháp và đế quốc Mỹ như: Hỏa Lò, Sơn La, Côn Đảo, Phú Quốc... được tái hiện qua các hình ảnh và mô phỏng chân thực.

 Một góc trưng bày phản ánh tội ác nhà tù đế quốc Mỹ

Nội dung trọng tâm của triển lãm “Kiên trung bất khuất” đã phản ánh hoạt động của các chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày, biến nhà tù thành trường học cách mạng, vượt qua muôn vàn khó khăn, cám dỗ, cùng những đòn tra tấn vô cùng dã man, tàn bạo của địch, các chiến sĩ vẫn không ngừng đấu tranh, giữ vững khí tiết, tin tưởng ở tương lai tất thắng của cách mạng. Chủ đề “Ngày chiến thắng trở về” là ký ức khó quên của các chiến sĩ cách mạng bị địch bắt giam trở về từ chốn lao tù của thực dân, đế quốc. Nhiều chiến sĩ đã anh dũng vượt qua hệ thống canh gác tuyệt mật của kẻ thù và vượt ngục tìm đường trở về với cách mạng như các đồng chí Đỗ Mười, Song Hào, Phạm Hồng Cư, Nguyễn Lương Bằng…, sau này đã trở thành những lãnh đạo xuất sắc của Đảng, Nhà nước, Quân đội.

Xúc động, ông Đào Văn Kim (Thuận Thành, Bắc Ninh), cựu tù Phú Quốc nói: “Hầu hết những chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày có mặt ở đây hôm nay đều ở độ tuổi xưa nay hiếm. Có thể nói họ đang ở tuổi chuyển giao thế hệ, cái tuổi mà muốn gửi gắm những điều mình cần gửi cho thế hệ sau. Việc tổ chức triển lãm chuyên đề này đang thực hiện những điều mong ước của chúng tôi. Trong lúc đất nước cần, thế hệ chúng tôi không tính toán thiệt hơn, tất cả đều cùng chung một lý tưởng, chiến đấu và chiến thắng, giành độc lập tự do cho dân tộc. Ngày nay, đất nước đã thanh bình, chúng tôi tin tưởng rằng thế hệ trẻ hôm nay sẽ có những nỗ lực vượt bậc đưa đất nước lên tầm cao mới.

“Mới chỉ là một phần ký ức của chúng tôi”

Ông Nguyễn Thế Thịnh, Đại úy, nguyên cựu tù chính trị đã từng bị địch đưa qua nhiều nhà tù và tra tấn dã man cũng đã cùng đồng đội của mình đến triển lãm trong một tâm trạng vô cùng xúc động. Đứng trước những hình ảnh, mô phỏng lại cảnh tượng những chiến sĩ cách mạng kiên trung thà hi sinh vẫn không chịu khuất phục trước đòn roi và sự tra tấn dã man của kẻ thù, ông Thịnh rơi nước mắt khi nhìn thấy một phần đời của mình ở đó. “Chúng tôi đã từng bị trải qua rất nhiều kiểu tra tấn dã man như quấn dây điện, gõ thùng phuy, nhốt chuồng cọp, nhổ răng, đánh đập đòn roi… Nhưng vượt trên tất cả những sự tra tấn dã man tàn khốc đó vẫn là tấm lòng kiên trung, một lòng một dạ với Tổ quốc…”, người chiến sĩ cách mạng năm xưa vừa nói, vừa vén ống quần cho chúng tôi thấy dấu vết khủng khiếp của những vết đạn và đòn roi năm nào.

 Triển lãm thu hút đông đảo người xem

Nhiều hiện vật về các hình thức tra tấn, giết hại tù nhân như thời trung cổ đã được trưng bày như: đục răng, bẻ răng, dội nước sôi, đóng đinh, gõ thùng, nhốt chuồng cọp, đánh đập tù nhân bằng vồ sầu đời, gậy biệt ly, roi cá đuối; cưa chân không gây mê…, khiến nhiều tù binh đau đớn và mất mạng. Nhiều đồng chí đã anh dũng hi sinh sau các đòn tra tấn của địch như: Anh hùng LLVTND Nguyễn Đình Xô (Bắc Ninh), liệt sĩ Đặng Hồng Sơn (Hà Nội)… Nhiều người bị thương tật vĩnh viễn như: đồng chí Cao Bá Trác (Sóc Sơn, Hà Nội); Thiếu tá, Anh hùng LLVTND Nguyễn Văn Thương (Tây Ninh); đồng chí Nguyễn Văn Tằng (Vụ Bản, Nam Định); đồng chí Nguyễn Trọng Lượng (Tĩnh Gia, Thanh Hóa)…

Mỗi hiện vật tại trưng bày đều không khỏi khiến người xem thắt lòng như: cùm chân giam giữ chiến sĩ cách mạng tại nhà tù Hỏa Lò và Côn Đảo; chiếc đinh cai ngục nhà tù Phú Quốc đóng vào hộp sọ các chiến sĩ cách mạng; chuồng cọp nhốt tù binh, thùng phuy tra tấn; chín cái răng của đồng chí Tằng (Vĩnh Hảo, Vụ Bản, Nam Định) bị cai ngục nhà tù Phú Quốc đục gãy và bắt nuốt vào bụng; gậy điểm danh của tên cai ngục khét tiếng Bảy Nhu ở Phú Quốc; Đá hồn thiêng lấy từ nơi cai ngục nhà tù Phú Quốc bắt tù nhân lao động khổ sai, làm chết 1033 tù binh; Bát do cai ngục nhà tù Phú Lợi trộn thuốc độc vào cơm đầu độc chiến sĩ tại nhà tù Phú Lợi; 17 mũi chỉ inox do cai ngục nhà tù Phú Quốc mổ bụng đồng chí Trần Huy Mộc, sau đó khâu lại để tù binh phải chết dần, chết mòn trong đau đớn…

Sống trong “địa ngục trần gian”, những cực hình của cai ngục nhà tù thực dân, đế quốc chẳng những không thủ tiêu được tinh thần và ý chí đấu tranh của các chiến sĩ cách mạng mà còn giúp tôi luyện “chí thép”, biến nhà tù thành trường học cách mạng, giữ vững phẩm chất, sự kiên trung, bất khuất. 

 Chúng tôi đã từng bị trải qua rất nhiều kiểu tra tấn dã man như quấn dây điện, gõ thùng phuy, nhốt chuồng cọp, nhổ răng, đánh đập đòn roi… Nhưng vượt trên tất cả những sự tra tấn dã man tàn khốc đó vẫn là tấm lòng kiên trung, một lòng một dạ với Tổ quốc…

(Ông Nguyễn Thế Thịnh, Đại úy, nguyên cựu tù chính trị)

 

 HÀ PHƯƠNG

Print

Hãy Đăng nhập hoặc Đăng ký đăng nhận xét.

Danh mục bài viết

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liện hệ quảng cáo: 024.22415051

Tổng Biên tập:NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top