Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Chính trị

19 Tháng Ba 2024

Lại “nóng” chuyện mức sống tối thiểu

Thứ Sáu 12/07/2019 | 11:27 GMT+7

VHO- Như thế nào là mức sống tối thiểu, mức sống tối thiểu được tính bằng cách nào để đảm bảo cuộc sống cho người lao động… lại tiếp tục “nóng” lên trước thềm phiên họp tiếp theo của Hội đồng tiền lương quốc gia. Các chuyên gia khẳng định, cách tính mức sống tối thiểu hiện nay đang thấp hơn so với thực tế.

 Tranh của Duy Liên

Lương không đủ sống

Chị Nguyễn Thị Minh (39 tuổi) đang làm việc tại một công ty may tại Bắc Ninh, sản xuất các sản phẩm váy, áo khoác cho các thương hiệu thời trang toàn cầu. Hằng tuần, làm việc 6 ngày với 9 giờ /ngày, chị Minh kiếm được khoảng 21.000 đồng/giờ. Đã kết hôn nhưng chồng chị mất khả năng lao động do bệnh tật nên Minh trở thành người có thu nhập duy nhất trong gia đình, lo cho cả mẹ chồng và con trai. Vì vậy, chị không có cách nào khác ngoài việc làm thêm giờ mỗi ngày để có đủ tiền cho các khoản chi thực phẩm, thuốc men, học phí và tằn tiện để tiết kiệm, đề phòng.

Với chị Lê Thị Vui (36 tuổi), làm việc tại một công ty may ở Hải Phòng đã 7 năm, đã lập gia đình và có hai con. Chồng chị đi làm xa và ông bà nội, ngoại ở quê nên chị phải gửi con ở nhà trẻ tư với mức chi phí cao hơn vì chị thường xuyên về muộn. Giờ làm việc thông thường của công ty là 7h30 – 18h, bao gồm cả 1,5 giờ làm thêm. Dù muốn về lúc 18h để đón con nhưng chị “ái ngại” vì tổ trưởng tỏ thái độ “khó chịu”, muốn chị về lúc 19h. Nhiều khi vì áp lực giao hàng của công ty nên chị làm đến 19h, đồng nghĩa với việc chị phải mất thêm 20.000 đồng vì đón con muộn.

Đây là hai trường hợp được thông tin tại Tọa đàm về mức sống tối thiểu, tình hình đời sống, thu nhập của người lao động; đề xuất phương án tiền lương tối thiểu vùng năm 2020 do Tổng LĐLĐ Việt Nam tổ chức ngày 10.7 tại Hà Nội. Trường hợp của chị Minh và Vui nằm trong nghiên cứu “Tiền lương không đủ sống và hệ lụy” của tổ chức Oxfam và Viện Công nhân và công đoàn tiến hành khảo sát tại một số doanh nghiệp dệt may tại 5 tỉnh, thành phố. Hai đại diện này cũng là điển hình cho đời sống người lao động, công nhân hiện nay, hầu hết công nhân được trả lời trong nghiên cứu đều có mức lương không đủ sống. Họ đang phải vật lộn, làm thêm giờ đến kiệt sức để nuôi sống bản thân và gia đình, thậm chí nhiều lúc bị đói, không đủ tiền để đi khám bệnh, chăm sóc sức khỏe và trang trải học tập cho con cái…

Tại buổi tọa đàm, ông Lê Đình Quảng, Phó trưởng Ban Quan hệ lao động (Tổng LĐLĐ VN) cho hay, căn cứ vào tình hình phát triển kinh tế, xã hội có những khởi sắc, dự kiến GDP tăng khoảng 7%, CPI tăng khoảng 4% và năng suất lao động tăng khoảng 5%, nên tại phiên họp của Hội đồng tiền lương vừa mới đây, cơ quan này đã đề xuất tăng lương tối thiểu theo ba phương án tăng mức lương tối thiểu vùng cho năm 2020. Theo đó, phương án 1 điều chỉnh vùng 1 đến vùng 4 với mức tăng bình quân 8,18% tương đương mức lương tối thiểu sẽ tăng từ 180.000 (6,16%- vùng 4) đến 380.000 đồng (9,1% - vùng 1). Phương án 2: Tăng bình quân 7,6%, tương đương mức tăng từ 160.000 đồng (5,47% - vùng 4) đến 330.000 đồng (7,89%- vùng 1); phương án 3: Tăng 6,51%, tương đương mức lương tăng từ 150.000 đồng (5,13%- vùng 4) đến 300.00 đồng (7,17%- vùng 1).

Ý kiến của ông Nguyễn Đình Thắng, Phó Chủ tịch CĐ các khu Công nghiệp, chế xuất HN cho rằng, mức lương đề xuất mức lương tối thiểu phải tăng 9% mới đảm bảo mức lương đủ sống. “Đơn cử như công nhân của công ty Canon, đối với công nhân mới vào làm việc được hưởng mức lương khoảng 4,6 triệu/tháng, họ còn được hỗ trợ thêm hơn 500.000 đồng/tháng cho các chi phí thuê nhà ở, xe cộ và ăn ca. Tuy nhiên, nếu là lao động ngoại tỉnh thì chi phí này không đủ để trang trải cuộc sống, vì tiền chi cho gửi con cái, nhà ở đã chiếm gần 4 triệu. Nếu mức tăng 5% theo tính toán trước đó thì không đủ đáp ứng mức sống tối thiểu”, ông Thắng phân tích.

Mức sống tối thiểu được tính như thế nào cho “phải”

Tại buổi tọa đàm, nhiều chuyên gia đã lên tiếng về cách tính mức sống tối thiểu của người lao động hiện nay. Theo TS Đỗ Quỳnh Chi (Trung tâm Nghiên cứu Quan hệ lao động) cho biết, Ủy ban Chuyên gia Tổ chức lao động quốc tế (ILO) phân biệt 2 loại “mức sống tối thiểu” gồm: Mức sống tối thiểu để tồn tại và mức sống tối thiểu cơ bản đủ sống. Do đó khi thảo luận về lương tối thiểu, các đại biểu của Hội đồng Tiền lương quốc gia cần phân biệt giữa hai mức sống tối thiểu này. Nếu tính lương theo mức sống tối thiểu để tồn tại thì về lâu dài sẽ làm nhân rộng đói nghèo, tăng khoảng cách thu nhập giữa các nhóm xã hội.

Theo tiêu chuẩn nhà ở đảm bảo an toàn và tránh được điều kiện thời tiết khắc nghiệt thì tường bằng gạch hoặc đá, mái tôn hoặc ngói nhưng phải có tấm chống nóng, một gia đình 4 người có hai phòng (khách và ngủ), vệ sinh khép kín, toilet, sạch, bếp riêng. Tổng diện tích: 30m2, có điện, nước sạch (nước máy hoặc giếng khoan có bảo vệ) không xa nơi ở, có chỗ đổ rác, có chiếu sáng phù hợp… Tuy nhiên, thực tế khảo sát tại các khu xóm trọ của công nhân, không gọi là “nhà” mà là “phòng ở” với khoảng 10m2 bao gồm toàn bộ các chức năng, sinh hoạt.

Một số doanh nghiệp cho rằng, hiện nay mức tăng lương tối thiểu đang tăng nhanh hơn năng suất lao động. Tuy nhiên, ông Nguyễn Thành Đô, Trưởng ban chính sách pháp luật, LĐLĐ TP.HCM phản bác vì cho rằng đang đánh đồng năng suất lao động xã hội (bao gồm: Năng suất ở khu vực nông nghiệp, phi nông nghiệp) với năng suất lao động của người lao động. Nếu không đảm bảo đời sống cho người lao động thì họ không thể tái tạo sức lao động và tăng năng suất lao động. “Nhiều người lao động tại TP.HCM, hai vợ chồng phải tăng ca mới đủ các chi phí cơ bản, một ngày tăng ca 4 tiếng, nếu làm liên tục trong 30 giờ tăng ca/ đợt thì công nhân sẽ trong trạng thái mệt mỏi, lờ đờ, nhiều người lao động trẻ bị đột quỵ vì quá sức vì thiếu dinh dưỡng. Bữa ăn ca của công nhân cần 900 calo, nhưng thực tế chủ yếu không đảm bảo, chủ yếu là dầu mỡ và tinh bột. Tôi cho rằng mức tăng lương tối thiểu vùng của năm tới khoảng 7 -8% là phù hợp với sự tăng trưởng GDP và chỉ số tiêu dùng CPI (4%). Nếu tăng 5% như tính toán thì chỉ đủ bù tăng chỉ số CPI”, ông Đô nhấn mạnh. 

 Có đến 70% trong số 160 người được hỏi (gồm công nhân, quản đốc, cán bộ Sở LĐ,TB&XH) cho biết, họ không có đủ tiền để trang trải nhu cầu sinh hoạt; 23% người chia sẻ họ “đang sống trong điều kiện nhà ở tạm bợ”; lương không đủ sống nên 65% công nhân nói rằng họ thường xuyên làm thêm giờ. Gần 1/3 số công nhân được điều tra cho biết luôn lo lắng về việc làm quá nhiều giờ trong ngày và ảnh hưởng của làm thêm giờ tới sức khỏe. Đặc biệt, do lương thấp nên gần 10% công nhân bày tỏ khó khăn về quyết định sinh con. 20% không đủ tiền để mua đồ dùng học tập cho con cái.

(Đại diện tổ chức Oxfam tại Việt Nam, bà VĂN THỊ THU HÀ)

 Ủy ban Chuyên gia Tổ chức lao động quốc tế (ILO) phân biệt 2 loại “mức sống tối thiểu” gồm: Mức sống tối thiểu để tồn tại và mức sống tối thiểu cơ bản đủ sống. Do đó khi thảo luận về lương tối thiểu, các đại biểu của Hội đồng Tiền lương quốc gia cần phân biệt giữa hai mức sống tối thiểu này. Nếu tính lương theo mức sống tối thiểu để tồn tại thì về lâu dài sẽ làm nhân rộng đói nghèo, tăng khoảng cách thu nhập giữa các nhóm xã hội.

(TS ĐỖ QUỲNH CHI, Trung tâm Nghiên cứu Quan hệ lao động)

QUỲNH HOA

Print

Hãy Đăng nhập hoặc Đăng ký đăng nhận xét.

Danh mục bài viết

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liện hệ quảng cáo: 024.22415051

Tổng Biên tập:NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top