Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Chính trị

19 Tháng Ba 2024

Quyết tâm Giáo dục văn hóa cho học sinh

Thứ Tư 10/07/2019 | 10:51 GMT+7

VHO- Trường THPT Nguyễn Du (TP.HCM) vừa tổ chức chuyên đề “Dạy văn hóa trong trường phổ thông” nhằm ghi nhận ý kiến của các giáo viên, chuyên gia giáo dục để hoàn chỉnh chuyên đề Giáo dục văn hóa. Nhà trường cũng cho biết sẽ chính thức đưa chuyên đề này vào dạy cho học sinh từ năm học tới đây.

 Ông Huỳnh Thanh Phú trao đổi với các phụ huynh về giáo dục đạo đức cho học sinh

Như vậy đây là trường THPT đầu tiên của cả nước đã tổ chức xây dựng và đưa chuyên đề Giáo dục văn hóa vào dạy cho học sinh phổ thông. Chúng tôi đã có cuộc trao đổi với ông Huỳnh Thanh Phú, Hiệu trưởng nhà trường về những nội dung chuyên đề mà trường sẽ triển khai giảng dạy.

Ông Huỳnh Thanh Phú, Hiệu trưởng nhà trường cho biết, với mục đích cung cấp cho học sinh kiến thức về các giá trị cũng như quy tắc văn hóa truyền thống, hiện đại, phân tích và đánh giá giá trị, vai trò của văn hóa trong đời sống hiện nay, đồng thời tạo điều kiện cho học sinh thực tập xử lý các tình huống liên quan đến chuẩn mực văn hóa,… từ năm học 2019- 2020, Trường THPT Nguyễn Du sẽ chính thức đưa vào giảng dạy chuyên đề Giáo dục văn hóa để dạy cho học sinh. Chuyên đề do nhà trường đặt hàng Trường ĐH Sư phạm TP.HCM xây dựng cấu trúc nội dung dựa trên nền tảng bộ môn Việt Nam học mà các trường ĐH đang triển khai.

P.V: Xuất phát từ đâu mà nhà trường quyết tâm xây dựng và đưa vào giảng dạy chuyên đề này cho các học sinh?

- Ông Huỳnh Thanh Phú: Trước tình hình hằng năm tại Trường THPT Nguyễn Du có cả trăm học sinh đi du học nước ngoài, mà nếu như đi ra bên ngoài mà các em không biết về bản sắc văn hóa của người Việt thì đó là một sự thua thiệt rất lớn. Vì thế ngoài việc dạy kiến thức, kỹ năng, chúng ta cần phải trang bị vốn văn hóa để học sinh có được nhận thức, đồng thời cũng chính là đại sứ văn hóa cho Việt Nam ở nước ngoài. Bên cạnh đó, hiện nay đạo đức của giới trẻ đang có chiều hướng xuống cấp với những tác động từ nhiều phía, làm cho các em sống ảo, sống vội, những giá trị văn hóa truyền thống dần bị mai một. Dường như văn hóa ngoại lai đang xâm thực trong nhận thức của rất nhiều người trẻ về lối sống, ngôn ngữ, ứng xử, trang phục, ẩm thực,… đe dọa rất lớn đến văn hóa truyền thống nước nhà.

Nhận thức được điều đó nên nhà trường quyết tâm đưa môn Việt Nam học vào giảng dạy. Biết rằng có hơi muộn so với đòi hỏi từ thực tế, nhưng muộn vẫn còn hơn không. Tuy nhiên, môn Việt Nam học hiện đang triển khai ở các trường ĐH có rất nhiều nội dung nên ở cấp độ học sinh phổ thông, nhà trường trích lọc ra những phần cốt lõi, gần gũi với học sinh để dạy cho các em dễ thẩm thấu hơn. Chuyên đề do nhà trường lên ý tưởng, đặt hàng Trường ĐH Sư phạm TP.HCM xây dựng.

Trường THPT Nguyễn Du thường xuyên tổ chức các chương trình đưa văn hóa nghệ thuật dân tộc vào học đường

Những nội dung cụ thể nào sẽ được chọn lọc để đưa vào giảng dạy, thưa ông?

- Chuyên đề Giáo dục văn hóa cho học sinh THPT gồm hai phần, mỗi phần có dung lượng 70 tiết, thực hiện xuyên suốt 35 tuần của năm học. Trong đó, phần 1 là Giáo dục văn hóa truyền thống cho học sinh và phần 2 là Giáo dục văn hóa hiện đại. Với hai nội dung này, chuyên đề góp phần giúp học sinh có kiến thức cơ bản về văn hóa Việt Nam truyền thống và hiện đại; phân tích và đánh giá giá trị và vai trò của văn hóa trong đời sống hiện nay; vận dụng được những quy tắc văn hóa truyền thống và hiện đại đã học vào trong cuộc sống cá nhân và xã hội.

Ngoài các mục tiêu bổ sung kiến thức, chuyên đề còn nhằm xây dựng cho học sinh các kỹ năng tự học và quản lý bản thân; kỹ năng giao tiếp; kỹ năng tư duy phản biện, sáng tạo và giải quyết vấn đề; kỹ năng hợp tác. Với quan điểm hội nhập nhưng không hòa tan, nhà trường dạy văn hóa truyền thống để các em bảo tồn và phát huy, đồng thời dạy văn hóa hiện đại cho các em thích nghi, hướng đến sự dung hòa giữa cái xưa và nay chứ không thể để cho lối sống lai căng chiếm ưu thế. Trong năm đầu triển khai, chuyên đề được thiết kế dành cho hai khối lớp 10 và 11 (với 32 lớp). Riêng học sinh lớp 12, do năm này các em phải tập trung cho kỳ thi quan trọng nên các em sẽ tham gia ở phần thực hành, như các hội chợ ẩm thực dân gian, chương trình hành trình di sản văn hóa, các câu lạc bộ nghệ thuật, thể dục thể thao,…

Xin ông cho biết đội ngũ giáo viên sẽ phụ trách chuyên đề này?

- Trước mắt trong năm đầu tiên, giáo viên chính đứng lớp là các giảng viên Trường ĐH Sư phạm TP.HCM. Phía nhà trường sẽ cử một số giáo viên (trong tương lai sẽ phụ trách chuyên đề này) tham dự để nghe và học hỏi. Các giáo viên sẽ tiếp cận để có sự chuyển giao, đồng thời tạo nguồn giáo viên để dần dần có thể phụ trách giảng dạy. 

Hiện nay đạo đức của giới trẻ đang có chiều hướng xuống cấp với những tác động từ nhiều phía, làm cho các em sống ảo, sống vội, những giá trị văn hóa truyền thống dần bị mai một. Dường như văn hóa ngoại lai đang xâm thực trong nhận thức của rất nhiều người trẻ về lối sống, ngôn ngữ, ứng xử, trang phục, ẩm thực,… đe dọa rất lớn đến văn hóa truyền thống nước nhà.

Nhận thức được điều đó nên nhà trường quyết tâm đưa môn Việt Nam học vào giảng dạy. Biết rằng có hơi muộn so với đòi hỏi từ thực tế, nhưng muộn vẫn còn hơn không.

(Ông HUỲNH THANH PHÚ, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Du, TP.HCM)

 

 Chuyên đề Giáo dục văn hóa do Trường ĐH Sư phạm TP.HCM phối hợp với các giáo viên Trường THPT Nguyễn Du xây dựng và hoàn thiện. Với hai phần của chuyên đề, mỗi phần có dung lượng 70 tiết, bao gồm nội dung lý thuyết và thực hành. Phần 1 về văn hóa truyền thống, chuyên đề bao gồm các bài học Văn hóa ẩm thực; Văn hóa trang phục; Văn hóa nghệ thuật; Văn hóa tín ngưỡng, phong tục tập quán. Văn hóa lễ hội (lễ hội gắn với lịch tiết - mùa vụ, gắn với tôn giáo - tín ngưỡng, gắn với văn hoá - văn nghệ; lễ hội gắn với ngành nghề, gắn với vòng đời người, lễ hội gắn với lịch sử); Văn hóa giao tiếp, ứng xử trong gia đình; Văn hóa giao tiếp, ứng xử ngoài xã hội; Văn hóa thưởng thức nghệ thuật dân tộc.

Ở phần 2 về văn hóa hiện đại, học sinh sẽ được hướng dẫn cách giao tiếp, ứng xử trên mạng Internet, cách ứng xử trong gia đình, nhà trường và ngoài xã hội, văn hóa giao thông, trang phục, ứng xử với môi trường, ứng xử với bản thân và văn hóa thưởng thức nghệ thuật đương đại. Sau khi triển khai thí điểm tại Trường THPT Nguyễn Du, những người tổ chức hy vọng chuyên đề sẽ nhân rộng ra nhiều trường THPT khác trên địa bàn TP, khẳng định vị trí quan trọng của chuyên đề này trong các trường phổ thông nhằm mục tiêu giáo dục toàn diện năng lực và phẩm chất cho học sinh.

(PGS.TS BÙI THANH TRUYỀN, Trưởng khoa Ngữ văn, Trường ĐH Sư phạm TP.HCM)

 

 THÙY TRANG

Print

Hãy Đăng nhập hoặc Đăng ký đăng nhận xét.

Danh mục bài viết

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liện hệ quảng cáo: 024.22415051

Tổng Biên tập:NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top