Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Chính trị

19 Tháng Ba 2024

Trưng bày "Nhật ký hoà bình”: Có những ký ức trở thành nỗi đau ám ảnh

Thứ Tư 03/07/2019 | 10:19 GMT+7

VHO- Nhiều nhân chứng lịch sử đã có mặt tại buổi khai mạc trưng bày “Nhật ký hòa bình” ngày 2.7 tại Di tích lịch sử Nhà tù Hỏa Lò. Nhiều câu chuyện được kể, nhiều hồi ức đã được ôn lại về những cuộc đấu tranh hào hùng của dân tộc Việt Nam (1954 - 1975); những lời cảm ơn từ trái tim được gửi đến đến bạn bè quốc tế, những người không phân biệt quốc tịch, màu da, sắc tộc đã tập hợp đấu tranh vì hòa bình cho đất nước Việt Nam.

 Cựu binh Mỹ Robert P.Chenoweth 

 Ở đó, có những ký ức trở thành kỷ niệm, nhưng cũng có những ký ức đã trở thành nỗi đau ám ảnh.

Những ám ảnh khôn nguôi

Cuộc trưng bày quá tải ngay sau khai mạc, không chỉ bởi những thông điệp được gửi gắm, mà còn bởi sự có mặt hiếm hoi của những nhân chứng lịch sử. Robert Preston Chenoweth, Hạ sĩ Lục quân Hoa Kỳ, một trong những phi công Mỹ từng bị giam trong các trại tạm giam ở miền Bắc Việt Nam, trong đó có trại giam Hỏa Lò (1968 - 1973) lặng lẽ hồi lâu bên tấm ảnh chụp lãnh đạo trại giam Hỏa Lò nói chuyện với phi công Mỹ trước giờ trao trả, ngày 12.2.1973. Bức hình đó có ông, có cả những nỗi ám ảnh về cuộc chiến tranh tại Việt Nam mà ông đã mang theo suốt cuộc đời mình.

Ngược dòng ký ức, Robert Preston Chenoweth nhìn trân trân vào hai hiện vật lịch sử được trưng bày ở di tích Nhà tù Hỏa Lò. Một là chiếc túi màu đen ông được trang bị để sử dụng khi trao trả về nước năm 1973. Hai là lá cờ Việt Nam ông được lãnh đạo trại giam Hỏa Lò tặng cũng vào năm 1973, trước khi trao trả về nước. Cả hai hiện vật không chỉ là ký ức, mà còn là những lời nhắc nhở ông không bao giờ được lãng quên quá khứ.

Tham chiến tại Việt Nam từ tháng 1.1967, tháng 2.1968, khi tham gia chiến trận tại Quảng Trị, máy bay trực thăng của Robert P. Chenoweth bị trúng đạn. Máy bay nổ, ông và các binh lính trên máy bay đều bị bắt. Trong thời gian sống ở Nhà tù Hỏa Lò, ông đã bắt đầu hiểu về cuộc chiến mà mình tham gia và tích cực phản đối chiến tranh thông qua những bản tường trình, những buổi làm việc với thành viên các nhóm hòa bình đến thăm trại giam. Trong bài viết “Những lời nói thật của các tù binh chiến tranh”, Robert P.Chenoweth chia sẻ: “Nếu chúng ta là một quốc gia yêu chuộng hòa bình và công lý như chúng ta vẫn thường nói, vậy tại sao chúng ta lại cho phép cuộc chiến thối nát này tiếp tục? Và nếu chúng ta được xem là một quốc gia quan tâm đến những nguyện vọng chính đáng của nhân dân các nước Đông Dương thì tại sao chúng ta lại ủng hộ chế độ phát xít do chính chúng ta gây dựng và ai là người phủ nhận quyền tự do của những người dân này? Đã đến lúc chính chúng ta phải tự chất vấn những câu hỏi này”.

Với Robert P. Chenoweth, con đường sự nghiệp của ông bắt đầu từ thời làm “khách” của “Khách sạn Hilton - Hà Nội”, nơi các cựu tù binh Mỹ được học đàn, học vẽ… và đọc lịch sử văn hóa Việt Nam qua các cuốn sách tiếng Anh do Việt Nam xuất bản trong thời chiến. Robert P.Chenoweth đã cùng với người dân Hà Nội trải qua trận “Điện Biên Phủ trên không” và ngày Hiệp định Paris được ký kết. Ngày 15.3.1973, ông rời Việt Nam. Thời gian ở Hỏa Lò tuy ngắn, nhưng vào đúng những ngày đêm Mỹ ném bom B52 xuống Hà Nội. Tất cả những trải nghiệm vẫn còn vẹn nguyên trong ông cho tới tận bây giờ.

Để vợi đi nỗi buồn thời chiến

Không có những ký ức trực tiếp như Robert P.Chenoweth, hành trình nỗ lực hàn gắn vết thương chiến tranh của Thomas Eugene Wilber được nhìn từ một hướng khác. Là con trai cố Trung tá hải quân Mỹ Walter Eugene Wilber, một quân nhân từng tham chiến tại Việt Nam, cựu tù nhân của cuộc chiến tranh của Mỹ ở Việt Nam, Thomas Eugene Wilber luôn thấm và bày tỏ quan điểm của gia đình chống lại cuộc chiến này. 5 năm qua, Thomas Wilber đã có tới 30 lần quay trở lại Việt Nam để phỏng vấn các nhân chứng và nghiên cứu lịch sử, đặc biệt là tìm lại hài cốt và di vật của Bernie Rupinski, đồng đội của cha ông, cùng ngồi trên chuyến bay của chiếc máy bay F- 4 J Phantom II và bị bắn rơi ngày 16.6.1968 tại Thanh Chương, Nghệ An. Thomas hiện là đại diện của tổ chức phi chính phủ Services & Reconciliation Foundation (Quỹ Phục vụ & Hòa giải), luôn sát cánh bên nhân dân Việt Nam trong công cuộc khắc phục hậu quả chiến tranh.

Năm 2014, lần đầu tiên tới di tích nhà tù Hỏa Lò như một du khách bình thường, bắt gặp hình ảnh cha mình ở đó, Thomas Eugene Wilber đã mang trong mình một động lực, một trách nhiệm của lương tri và đó chính là lý do để chỉ trong vòng 5 năm, ông đã 30 lần quay trở lại Việt Nam. Trong bất kỳ hoạt động nào của di tích Nhà tù Hỏa Lò sau đó, ông đều tham gia. Tại trưng bày này, Thomas đã thực hiện các cuộc phỏng vấn với luật sư Peter Weiss, người từng đến miền Bắc Việt Nam để điều tra các tội ác của Mỹ vào tháng 10.1970; bà Cora Weiss, người đứng đầu phong trào Phụ nữ đấu tranh vì Hòa bình; cung cấp cho BQL Di tích Nhà tù Hỏa Lò tư liệu về TS. Bill Zimmerman, nhà hoạt động chống chiến tranh của Mỹ tiến hành tại Việt Nam... Thomas cũng đã trao tặng Di tích Nhà tù Hỏa Lò nhiều hiện vật là kỷ vật của cha mình và nhiều nhân chứng lịch sử khác. Tại khai mạc trưng bày “Nhật ký hòa bình”, ông đã ủng hộ số tiền 20 triệu đồng cho Làng Hữu nghị Vân Canh (Hoài Đức, Hà Nội) để góp phần giúp đỡ trẻ em là nạn nhân của chiến tranh bị nhiễm chất độc da cam.

Chủ tịch Hội Việt - Mỹ, ông Nguyễn Tâm Chiến nhấn mạnh, với quan hệ Việt - Mỹ, Hỏa Lò lại nhắc về cuộc chiến khốc liệt, sự độ lượng và đối xử nhân đạo của Việt Nam đối với các phi công tù binh Mỹ và hơn thế nữa, là lời nhắn nhủ đừng để quá khứ lặp lại trong tương lai. Chủ tịch Hội Việt - Mỹ cũng khẳng định, trưng bày “Nhật ký hòa bình” là một minh chứng nữa của khát vọng hòa bình của nhân dân Việt Nam, được truyền đi từ một địa danh linh thiêng - Nhà tù Hỏa Lò. 

PHƯƠNG ANH

Print

Hãy Đăng nhập hoặc Đăng ký đăng nhận xét.

Danh mục bài viết

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liện hệ quảng cáo: 024.22415051

Tổng Biên tập:NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top