Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Chính trị

19 Tháng Ba 2024

Hà Nội: Cần triển khai việc phân loại rác tại nguồn

Thứ Hai 01/07/2019 | 10:33 GMT+7

VHO-  Việc phân loại rác thải tại nguồn đã được triển khai thí điểm ở Hà Nội (giai đoạn 2006-2009) do cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) tài trợ đã thu được những thành công ngoài mong đợi. Sau khi kết thúc việc thí điểm, việc phân loại rác tại các phường ở Hà Nội vẫn tiếp tục được thực hiện, tuy gặp không ít khó khăn. Để làm giảm lượng rác thải phát ra môi trường, trong đó có rác thải nhựa, hướng tới năm 2025 người dân không sử dụng túi nilon dùng một lần, đã đến lúc Hà Nội cần xem xét triển khai mạnh mẽ hơn việc phân loại rác tại nguồn.

 

Hiệu quả của mô hình thí điểm

Trao đổi với Báo Văn Hóa, đại diện Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị Hà Nội (URENCO) cho biết, việc phân loại rác thải tại nguồn (mô hình 3R) đã được triển khai ở Hà Nội (giai đoạn 2006-2009) do cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) tài trợ thí điểm tại 4 phường Phan Chu Trinh (thực hiện từ tháng 7.2007), Nguyễn Du (thực hiện từ tháng 8.2007), Thành Công (thực hiện từ tháng 7.2008), Láng Hạ (thực hiện từ tháng 8.2008). Theo đó, người dân được hướng dẫn phân rác thải thành 3 loại: Rác hữu cơ (hoa, rau, củ, quả...), rác vô cơ (xương, sành sứ...), rác tái chế (giấy, bìa, nhựa, kim loại…). Sau khi thu gom, rác vô cơ được chuyển đến bãi rác Nam Sơn; rác hữu cơ đưa đến Nhà máy Chế biến phân hữu cơ Cầu Diễn để sản xuất phân bón; rác tái chế dành cho người thu gom phế liệu.

Sau khi được thí điểm, Dự án đã góp phần cải thiện tình hình vệ sinh môi trường tại địa bàn. Nhận thức của người dân về vấn đề quản lý chất thải được cải thiện. Ý thức người dân được cải thiện nhờ tuyên truyền và truyền thông, chất thải được phân loại có thể được tái sử dụng lại theo các mục đích có ích khác. Hệ thống thu gom, vận chuyển rác được cải thiện hơn. Công nhân không phải gõ kẻng thu rác, người dân có thời gian 2,5 tiếng đồng hồ từ 18h00 đến 20h30 để bỏ rác. Giảm tải khối lượng cho công nhân phân loại tại nhà máy Cầu Diễn. Đặc biệt, việc phân loại rác đã góp phần giảm thiểu lượng rác đem chôn lấp, từ đó kéo dài tuổi thọ của bãi chôn lấp.

Đại diện URENCO cũng cho biết, từ năm 2009 đến nay, sau khi kết thúc thí điểm, mô hình phân loại rác tại nguồn vẫn đang áp dụng tại các địa bàn trên. Tuy nhiên, việc phân loại rác tại nguồn đang có xu hướng xấu đi do việc thực hiện mới chỉ dừng ở hoạt động thí điểm, chưa có quy định bắt buộc, chế tài xử phạt hay cơ chế khuyến khích. Sự quan tâm ủng hộ từ chính quyền địa phương các cấp, các đoàn thể không thường xuyên, không đồng bộ mà chỉ mang tính chất phong trào. Diện tích nhà tại các hộ gia đình ở Hà Nội thông thường nhỏ hẹp, việc để 2 chiếc thùng rác để phân loại vô cơ, hữu cơ là điều khá khó khăn. Việc thu gom tách biệt rác hữu cơ và vô cơ rất khó khăn, đặc biệt đối với các khu vực ngõ nhỏ và sâu do đặc thù hạ tầng tại Hà Nội. Bên cạnh đó, chưa có quy trình kỹ thuật, cơ chế chi trả cho công ty thu gom do việc thu gom riêng biệt sẽ làm tăng chi phí của công tác thu gom. Hằng năm URENCO luôn phải bù lỗ cho hoạt động sản xuất phân tại nhà máy xử lý rác Cầu Diễn. Nhà máy xử lý chất thải hữu cơ Cầu Diễn hiện tại đang gặp nhiều khó khăn trong công tác vận hành do thiết bị cũ, chất lượng rác đầu vào không đảm bảo.

Đã đến lúc cần bắt buộc phân loại rác tại nguồn

Hiện nay, mỗi ngày Hà Nội có hàng nghìn tấn rác thải được đem đi chôn lấp. Phân loại rác thải tại nguồn là việc làm mang lại nhiều lợi ích cả trước mắt và lâu dài cho môi trường, xã hội, kinh tế... Hiệu quả mang lại sẽ trực tiếp giảm độc hại do các loại vật liệu khó phân hủy tồn dư trong môi trường đất, giảm ô nhiễm về mùi hôi, nước rỉ rác, đặc biệt sẽ tiết kiệm diện tích đất dùng để chôn lấp rác. Hơn thế, làm tốt công tác phân loại rác còn tạo ra nguồn nguyên liệu cung ứng cho các nhà máy xử lý rác, từ đó đưa công tác xử lý rác đạt hiệu quả cao.

Tại Điều 4, Nghị định 38/2015/NĐ-CP ngày 24.4.2015 của Chính phủ quy định các tổ chức, cá nhân có trách nhiệm thực hiện việc phân loại chất thải tại nguồn để xử lý, tái sử dụng. Theo đó, nếu không phân loại rác và chuyển giao theo nhóm chất thải, đơn vị thu gom sẽ nhắc nhở. Nếu tái phạm nhiều lần, người dân có thể bị phạt rất nặng. Theo Điều 20 của Nghị định 155/2016/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường: Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với hành vi vứt, thải, bỏ rác thải sinh hoạt không đúng nơi quy định tại khu chung cư, thương mại, dịch vụ hoặc nơi công cộng. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 7.000.000 đồng đối với hành vi vứt, thải rác thải sinh hoạt trên vỉa hè, đường phố hoặc vào hệ thống thoát nước thải đô thị hoặc hệ thống thoát nước mặt trong khu vực đô thị. Phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi không phân loại, không lưu giữ chất thải rắn sinh hoạt theo quy định; không ký hợp đồng hoặc không chuyển giao chất thải rắn sinh hoạt cho đơn vị có chức năng thu gom, vận chuyển và xử lý theo quy định.

Tuy nhiên, hiện nay tại Hà Nội, rác thải sinh hoạt vẫn vô tư xả ra môi trường khi chưa được phân loại tại nguồn. Đi bất cứ đường phố, ngõ ngách nào của Hà Nội, rác thải sinh hoạt được cho vào túi nilon, vứt ra hè phố, cột điện vừa làm nhếch nhác đường phố, vừa làm ô nhiễm môi trường. Đã đến lúc các cấp, ngành, cơ quan của Hà Nội cần đưa ra quy định, chính sách riêng, lộ trình cụ thể để triển khai mô hình phân loại rác tại nguồn .

Đại diện URENCO cho biết, phân loại rác tại nguồn là việc làm mang lại nhiều lợi ích cả trước mắt và lâu dài cho môi trường, xã hội, kinh tế. Vì vậy, cần áp dụng các biện pháp khuyến khích về kinh tế đối với người dân thực hiện phân loại rác tại nguồn; áp dụng các biện pháp khuyến khích về kinh tế đối với các cơ sở chế biến phân compost (được chi trả cho công tác xử lý). Bên cạnh đó, cần cải thiện công tác thu gom thông qua ứng dụng trạm trung chuyển hoặc các cơ sở xử lý trung gian. Thay đổi quy trình tác nghiệp của người công nhân để tập trung hơn vào công tác hướng dẫn thay vì quét đường; tuyển dụng và tập huấn công nhân thu gom đảm bảo chất lượng tham gia hướng dẫn người dân (URENCO hiện tại đã thực hiện theo định hướng này). Đặc biệt, cần tăng cường hoạt động giáo dục môi trường; đưa giáo dục môi trường thành hoạt động thường xuyên của cấp phường, các trường học. Đồng thời, xây dựng lộ trình cụ thể thực hiện phân loại rác tại nguồn, đưa ra quy định, chế tài cụ thể và cần phải bố trí ngân sách để thực hiện các hoạt động phân loại rác tại nguồn. 

 HOÀNG ANH

Print

Hãy Đăng nhập hoặc Đăng ký đăng nhận xét.

Danh mục bài viết

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liện hệ quảng cáo: 024.22415051

Tổng Biên tập:NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top