Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Chính trị

19 Tháng Ba 2024

Ngày Gia đình Việt Nam 28.6: Lính nhà giàn để… “Gió đưa hơi thở dội vào phương em”

Thứ Tư 26/06/2019 | 09:47 GMT+7

VHO- Lính thời chiến lấy vợ muộn là lẽ thường, vì chiến tranh, người đi chiến trận biết bao giờ gặp lại, người ở nhà mòn mỏi đợi chờ. Vậy mà, giữa thời bình lặng im tiếng súng, nhiều người lính nhà giàn DK1 chưa thu xếp cho mình chút riêng tư nhỏ bé.

 Vơi nỗi nhớ đất liền bằng những trang thư

Không phải các anh kén vợ, mà khi vào đất liền, chưa kịp yêu lại phải ra nhà giàn thay cho đồng đội về bờ. Nhiều người lính hơn 40 tuổi mà chưa có người yêu, để rồi giữa biển xa sóng gió, một bóng hình con gái cứ khắc khoải trong miền nhớ tương tư.

1. Thiếu tá Lê Văn Khải, người có “thâm niên” công tác 16 năm ở nhà giàn DK1 cho tôi xem bài thơ Thư đêm DK1 và bảo: “Anh cũng biết đấy, lính nhà giàn xa nhà cả năm biền biệt, lấy được vợ biết thông cảm, sẻ chia và thủy chung là điều không dễ. Ngày trước tôi cũng thế, cứ đi nhà giàn vào đất liền chưa kịp “cưa” gái hoặc “cưa chưa đổ” lại phải đi. Bây giờ, ở nhà giàn nhiều người đã hàng “U40” hoặc hơn 40 mà chưa có mảnh tình vắt vai, điều đó cũng là dễ hiểu.

Ở nhà giàn, nhiều đêm thức trắng nên các chiến sĩ hay làm thơ để giãi bày tâm sự. “Bao đêm anh ở nhà giàn/ Biển trời thấp thoáng muôn ngàn vì sao/ Sóng đêm nỗi nhớ cồn cào/ Gió đưa hơi thở dội vào phương em”. Đó là bài thơ thay cho nỗi niềm tâm sự của hàng trăm sĩ quan và quân nhân chuyên nghiệp ở nhà giàn DK1 chưa có người… để nhớ, để thương.

Đóng quân trên các nhà giàn DK1, có nhiều sĩ quan, trong số đó có phân nửa sĩ quan chưa vợ. Một trong nhiều sĩ quan muộn vợ ấy phải nói đến thiếu tá Nguyễn Văn Quang, quê ở huyện Diễn Châu (Nghệ An). Năm 1994, thiếu tá Quang tốt nghiệp Trường Sĩ quan Lục quân 2 và được điều về nhà giàn DK1 nhận nhiệm vụ. Thanh niên phơi phới sức trai, tình yêu Tổ quốc nặng trên vai người lính, bước xuống tàu vượt sóng ra nhà giàn, hành trang mang theo của chàng sĩ quan trẻ ngày ấy là tình yêu biển đảo, là những kỷ niệm đầy ắp trên ghế nhà trường. Sau 10 tháng “khát đủ thứ” ở nhà giàn DK1/10, thiếu tá Quang vào đất liền nghỉ phép, rồi về quê phụ giúp bố mẹ lợp lại mái nhà, động viên em gái vào đại học. Một tháng phép ngắn ngủi qua mau, anh vào đơn vị và tiếp tục ra nhà giàn nhận nhiệm vụ. Sau 14 tháng cùng đồng đội canh trời giữ biển, thiếu tá Quang trở lại đất liền nhận nhiệm vụ mới. Ý định chuyến này tìm kiếm một cô, nhưng đùng một cái bố anh đột ngột ra đi vì căn bệnh hiểm nghèo. Anh về quê chịu tang bố và nén lòng khắc khoải. Những chuyến đi nhà giàn sau đó cứ dày hơn, thời gian dài hơn…

Thời gian cứ trôi, thiếu tá Quang đã bước sang tuổi 43, tóc điểm sợi bạc, vậy mà “nửa kia” của mình vẫn chưa tìm được. Anh tâm sự: “Không phải mình kén cá chọn canh gì đâu, nhưng thật lòng những ngày tháng ở nhà giàn DK1 không có thời gian để đi tìm hiểu. Chỉ cách đây một năm thôi, nhà giàn DK1 đâu có điện thoại như bây giờ. Thư gửi về đất liền 2 tháng 1 lần và 2 tháng sau mới được đọc thư. Nói thật, nhiều bạn gái không chịu lấy chồng đi nhà giàn DK1, vì họ sợ chồng xa nhà biền biệt, phải nuôi con một mình. Lính nhà giàn DK1 chấp nhận lấy vợ muộn, nuôi con nhỏ, thiệt thòi là tất nhiên”.

Không riêng thiếu tá Quang, ở nhà giàn DK1, nhiều sĩ quan và quân nhân chuyên nghiệp cũng chưa kịp lập gia đình. Sĩ quan Vũ Quang Thuận cứ mải mê cho những chuyến đi biển dài ngày, để rồi em gái, em trai của anh lần lượt có gia đình riêng, vậy mà anh vẫn “phòng không”. Anh chia sẻ thân tình: “Bây giờ, tuổi tôi hơn 40 rồi không còn hoa lá gì nữa, chỉ mong sao gặp được người hợp với mình là… quyết luôn. Lấy vợ muộn nhưng bù lại những ngày tháng ở nhà giàn DK1 là những ngày đẹp nhất. Tôi luôn tự hào về điều đó”. “Lấy vợ đi kẻo đầu bạc tóc hết rồi?”, tôi hỏi tình cờ. “Đó là màu của thời gian anh ạ. Mùa sóng gió bão tố, nhà giàn rung lắc mạnh, nhiều đêm anh em thức trắng đêm để sẵn sàng rời nhà. Ngành thông tin của tôi, cứ một tiếng lên máy một lần. Nhiều năm rồi, chưa bao giờ tôi có giấc ngủ trọn đêm”, anh Thuận cười và nhìn ra hướng biển.

 Cây đàn ghi ta luôn là bạn đồng hành của lính nhà giàn lúc nhớ đất liền

2. Trong nhiều “lính phòng không” ở các nhà giàn DK1, chuyện tình yêu của “đại úy già” Võ Văn Thư là “gương tiêu biểu” hy sinh hạnh phúc riêng tư vì nghĩa lớn. Cách đây 9 năm, sau gần 23 tháng “yêu qua thư”, nhờ sóng biển nói “lời của gió”, từ nhà giàn DK1, đại úy Thư vào đất liền cưới vợ. Ngày cưới được ấn định, đùng một cái “nâng cấp báo động, tăng cường bảo vệ chủ quyền biển đảo”. Trong khi nhiều người “nấn ná thiệt hơn”, đại úy Thư xung phong xin ra nhà giàn làm nhiệm vụ. Chuyện cưới vợ đành gác lại một bên, để rồi sau hơn một năm vật lộn với nắng gió, bão táp, anh trở về trong vòng tay chờ đợi của người yêu, lễ thành hôn rạng ngời hạnh phúc. Đại úy Thư chia sẻ: “Thời chiến cũng như thời bình, nỗi vất vả gian truân bao giờ cũng đặt lên vai người lính. Biết hy sinh hạnh phúc riêng tư vì nghĩa lớn cũng là niềm hạnh phúc của người lính. Tôi nghĩ, chiến sĩ nhà giàn DK1 ai cũng có tấm lòng như vậy”.

Chuyện tình yêu của thiếu úy chuyên nghiệp báo vụ Nguyễn Văn Dương là “mô hình” trong “chiến thuật đánh nhanh thắng nhanh”. Năm 2005, khi đang là học viên năm cuối của Trường Trung cấp kỹ thuật Hải quân, thiếu úy Dương đem lòng “yêu thầm nhớ trộm” cô giáo dạy nhạc trẻ mới ra trường. Tiếng “mì mồ mà” của cô giáo luyện thanh cho các em nhỏ như lực hút chàng lính trẻ nhà giàn DK1 vốn chỉ quen với nắng gió của biển khơi. Qua nhiều lần tán tỉnh cô giáo trẻ bị từ chối, anh đã “bày binh bố trận” bằng mọi cách để chinh phục người đẹp.

Tối ấy, Dương mời Thanh (tên cô giáo dạy nhạc) đi uống cà phê ở quán Không Tên (phường 12, thành phố Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu). Hơn chục người bạn áo lính của Dương được bí mật đến trước “yểm trợ”. Những ly cà phê được đem ra. Bất ngờ, Dương lấy từ trong ngực áo yếm hải quân cành san hô trắng mà nói rằng: “Xin tặng em cành san hô này thay cho lời muốn nói anh rất yêu em. Tình yêu người lính nhà giàn mộc mạc chân thành chỉ thế”. Mọi người ngồi quanh vỗ tay rào rào. Thanh bất ngờ và xúc động, nhận cành sanh hô trên tay Dương mà run quá, quên cả lời cảm ơn.

Thời gian lặng lẽ trôi đi, thiếu úy Dương đi làm nhiệm vụ ở nhà giàn DK1 và luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, Thanh ở đất liền làm cô giáo dạy giỏi. Mỗi lần có tàu ra nhà giàn thay trực, Thanh gửi cho người yêu những lá thư nồng nàn lời yêu thương. Ở nhà giàn DK1, thiếu úy Dương nhận được nhiều thư tay, lá thư nào cũng chan chứa yêu thương. Thanh viết: “Cả cuộc đời em chỉ yêu lính nhà giàn/ Bởi nơi ấy có nhành san hô trắng/ Bởi tình yêu trào dâng rồi phẳng lặng/ Sau mỗi chuyến tàu em lại thấy yêu hơn”. 

 TRẦN MẠNH TUẤN

Print

Hãy Đăng nhập hoặc Đăng ký đăng nhận xét.

Danh mục bài viết

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liện hệ quảng cáo: 024.22415051

Tổng Biên tập:NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top