Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Chính trị

29 Tháng Ba 2024

Lâm Đồng: Ly kỳ thả trâu trong rừng, muốn bắt phải gọi tên, nhử muối

Thứ Ba 19/02/2019 | 11:35 GMT+7

VHO- Nổi tiếng khắp vùng bởi thịt trâu được đánh giá thơm ngon hơn các nơi khác, nhiều năm nay nghề nuôi thả trâu trong rừng tại huyện Lạc Dương (tỉnh Lâm Đồng) đã mang lại hiệu quả kinh tế ổn định, là “đầu cơ nghiệp” của hàng trăm hộ dân. Chuyện chăn, thả trâu ở Lạc Dương nghe rất ly kỳ, thả mấy cả năm, mỗi khi thăm, bắt trâu phải gọi tên con đầu đàn và rắc muối để nhử.

Điều đặc biệt là khác với nghề chăn trâu mùa nước nổi miền Tây, nơi đây người dân chọn thả trâu nhà vào rừng để chúng “tự sinh, tự dưỡng”.

Nói không ngoa bởi mang tiếng nuôi trâu nhà nhưng suốt cả năm trời, những người nông dân hiếm hoi còn nuôi trâu tại Lạc Dương luôn đưa “đầu cơ nghiệp” của họ lên những đồi thông bạt ngàn hay cánh rừng tạp... cho “ông trời” chăm sóc giúp.

lam dong: ly ky tha trau trong rung, muon bat phai goi ten, nhu muoi hinh anh 1

Đàn trâu do ông Kar Jan Treo chăn trong rừng thông khu vực Suối Vàng, xã Lát những ngày giáp Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019. Ảnh: Chính Phong

Cùng “đầu cơ nghiệp” ăn tết trong rừng...

Những ngày giáp Tết Kỷ Hợi 2019, tại khu vực Suối Vàng (xã Lát), trên cung đường núi uốn lượn men theo dải đồi thông rộng bạt ngàn, thi thoảng du khách có thể bắt gặp đàn trâu lơ thơ gặm cỏ. Theo ngay sau là một người đàn ông luống tuổi tay cầm chiếc roi nhỏ, lưng đeo ba lô đứng trông đàn trâu mẹ, trâu con to nhỏ di chuyển trên thảm cỏ phơn phớt hồng đặc trưng ở núi đồi Lạc Dương.

Thấy khách có vẻ hiếu kỳ, ông Kar Jan Treo (66 tuổi, ngụ thị trấn Lạc Dương) tươi cười nói: “Chăm trâu trong rừng nhàn nhã nhưng phải đứng quan sát xem chúng có đi lạc ra đường, bỏ đi nhập sang đàn khác hay không,... Bỏ hẳn đàn trâu thả rông cả tuần trong rừng tạp như tại thôn Păng Tiêng hay dưới chân núi Lang Biang thì không phải ai cũng dám làm đâu, vì sợ mất trâu lắm!”.

Trâu “Lang Biang” thơm ngon, nổi tiếng khắp vùng

Ông Nguyễn Duy Hưng, Phó Phòng Nông nghiệp huyện Lạc Dương cho biết, hiện thống kê cuối năm 2018 trên địa bàn có 1.910 con trâu (tăng 2,8% so với năm 2017). Trong đó, lượng trâu nhà thả trong rừng thông, rừng tạp lên đến 90%.

Chủ yếu số trâu nuôi ở Lạc Dương là của đồng bào dân tộc thiểu số người Cơ Ho, Lạch... tập trung tại khu vực xã Lát, chân núi Lang Biang, Măng Ling, Đa Sar... (người dân thường gọi là trâu Lang Biang). Điều đặc biệt, do được chăn thả trong rừng, trên những ngọn đồi bát úp, đi 3 - 4 km/ngày cộng với điều kiện thổ nhưỡng phù hợp nên thịt trâu Lạc Dương nổi tiếng thơm ngon.

Thớ thịt trâu Lang Biang săn chắc hơn nên được thương lái khắp nơi tìm mua nhiều năm qua với giá luôn cao hơn đàn trâu ở những nơi khác.

Ngó gương mặt khách có vẻ chưa hiểu, ông Jan Treo nói sang sảng: “Đây đã là năm thứ 4 tôi ở cùng, ăn cùng với đàn trâu trong rừng thông, kể cả ngày Tết  Âm lịch. Chúng là tài sản lớn của gia đình, con cháu trong nhà nên không thể lơ là được”.

Vừa nói xong chưa dứt câu chuyện, ông Jan Treo phải nhanh chân chạy đi lùa mấy con trâu tơ “dám” mon men gặm cỏ sát mép đường nhựa lên lại vạt đồi phía xa cho an tâm.

Xong xuôi, người đàn ông có thâm niên 8 năm chăn trâu trong rừng ngồi châm điếu thuốc, dựa người vào một gốc thông, phía trước mặt là đàn trâu 50 con cặm cụi ăn cỏ, ông nhìn xa xăm vào triền đồi thông xanh, rồi bảo: “Nghề nuôi trâu trong rừng cũng gặp không ít rủi ro, công việc nhàn nhã nhưng nếu không chuyên tâm thì công sức chăm cả năm có khi “đi tong” chỉ trong phút chốc”.

  “Trâu nhà thả rừng xa lâu ngày nên chúng có một số con khá dữ. Mình phải đặt tên cho một số con cái già, 1 con đực đầu đàn và thường xuyên gọi tên để chúng quen dần với chủ. Cực nhất là đi tìm chúng trong các thung lũng có rừng tạp để lùa chúng về làng mất nhiều thời gian lắm!” - anh K’Hòa chia sẻ với chúng tôi sau khi phải mất 2 giờ vất vả mới tìm thấy đàn trâu khi chúng đang tránh cái nắng trưa trong đám cây tạp dưới khe núi.

Kẻ trộm mang ô tô vào rừng bắt trộm 4 con trâu mộng

Khuôn mặt chất phác, nước da sạm đen vì cái nắng núi đồi, ông Ja Treo kể, vào ngày giáp Tết Nguyên đán 2018, do chủ quan để trâu trong rừng liên tiếp 5 ngày không tới ngó ngàng, đến khi đi thăm trâu, ông mới phát hiện kẻ trộm dùng ô tô trộm mất 4 con trâu đực to. “Nhìn dấu chân xe tải chạy qua đường mòn, tôi chạy tới chuồng nhốt trâu tạm trong rừng kiểm tra thì phát hiện mất 4 con. Mỗi con trâu đực trưởng thành có giá không dưới 27 triệu đồng” - ông Ja Treo ngậm ngùi nói.

Theo những người chăn trâu trong rừng có kinh nghiệm tại xã Lát, câu chuyện rủi ro mất trâu, trâu lạc, trâu rơi xuống hố sâu,... năm nào cũng xảy ra vài vụ việc đáng tiếc.

Anh Liêng Hót Ha Min (36 tuổi, ngụ tại xã Lát) có đàn trâu 16 con chăn thả tại khu vực hồ Đan Kia - Suối Vàng cho hay, trong rừng cỏ tranh, rừng tạp tại xã Lát hoặc dưới chân núi Lang Biang vẫn còn nhiều hố sâu 2 - 3 m khá nguy hiểm.

Đặc biệt là trâu non mới sinh từ 1 tới 8 tháng tuổi rơi xuống hố nếu chủ không kiểm tra ngay thì coi như khó sống sót. Rồi chuyện trâu do thả rông phá rẫy, vườn bị chủ vườn tức giận đánh què chân hay trâu đực tới mùa tìm “bạn tình”, chạy đi sang đàn khác xa cả 5 - 10 km rồi mất tích luôn, đã không còn là chuyện hiếm gặp.

Nhưng cái rủi ro luôn đến cùng cái may và niềm vui. Chuyện những gia đình sau khi cả tháng “gửi” trâu trong rừng, lúc lùa về ngỡ ngàng nở nụ cười khi thấy xuất hiện đi cùng đàn có thêm vài con trâu con do trâu mẹ sinh ra đã là chuyện bình thường. Rồi từ 5 - 10 con trâu gom góp thả chung với đàn lớn trong rừng, thoáng chốc 1 - 2 năm sau kiểm tra lại đã thấy đàn sinh sôi, nảy nở được thêm cả chục con.

Trâu nhà biến thành con min-trâu rừng

Từ khu vực Suối Vàng, chúng tôi vào sâu trong vùng rừng tạp thuộc thôn Păng Tiêng, xã Lát, nơi có một số đàn trâu được thả trong rừng gần 8 - 9 tháng mỗi năm. Những người già tại đây cho biết, một số con trâu nhà thả trong rừng lâu ngày thường trở nên hung dữ hơn mức bình thường.

Chúng sẽ tỏ thái độ khó chịu bằng cách gục đầu, mũi khịt khịt, chân trước bới đất,... một dấu hiệu khi gặp người lạ. Những chú trâu nhà như vậy, người dân ở đây gọi là con “min” do chúng có tập tính của trâu rừng.

Sáng sớm một ngày cuối tháng 12, chúng tôi được anh K’Hòa (34 tuổi) dẫn vào đồi cỏ tranh, thông rộng bạt ngàn dưới chân núi Lang Biang để thăm trâu. Khác với ông Ja Treo chọn chăn dắt trâu nhà dưới tán thông rừng, anh K’Hòa (31 tuổi) lại chọn chăn thả đàn trâu của mình trong khu rừng tạp nằm cách thôn Păng Tiêng gần 4 km đường chim bay.

Khu vực thả trâu là đồi cỏ tranh xen lẫn rừng tạp dưới thung lũng, khe suối rộng cả 100 ha, đây được coi là địa hình lý tưởng bởi các thảm cỏ cách khá xa vườn nhà dân. Tuy nhiên, khó khăn nhất theo chàng trai người Cơ Ho này, để lùa đàn trâu nhà sống trong rừng về là cả một nghệ thuật không phải ai cũng làm được.

Già làng Krajan Plin, người có tiếng nói, uy tín trong cộng đồng người đồng bào dân tộc thiểu số dưới chân núi Lang Biang chia sẻ với chúng tôi, người Cơ Ho, Lạch bao đời nay đã biết thói quen thả trâu rừng và tập tục đó vẫn còn duy trì cho tới ngày nay.

  “Phương thức canh tác, chăn nuôi thay đổi nhanh chóng nhưng trâu tại Lạc Dương vẫn được một số người dân chăn nuôi và phát triển về số lượng do khí hậu, thổ nhưỡng núi đồi phù hợp, trâu có sừng quặp đặc trưng, tầm vóc to lớn, thịt chắc nhưng mềm, ngon, hiếm nơi nào có được” - già làng Krajan Plin tự hào nói.

Theo già làng Krajan Plin, thời hoàng kim, trâu nhà thả rừng là vào những năm 1978 - 1980. Khi đó, dưới chân núi Lang Biang có cả ngàn con trâu thả rừng và chúng rất dữ, nhiều con đã biến thành con min. Trong làng có một số người bị thương khi thuần phục những chú trâu dữ dằn nhất.

“Nghệ thuật ở đây là các chủ nuôi trâu giỏi phải đặt tên cho từng con đầu đàn và gọi chúng thường xuyên khi đi thăm. Khi lai dắt còn phải biết cách rải muối trên cỏ dụ trâu ăn để chúng di chuyển dần về làng. Cứ vậy, vừa gọi tên con đầu đàn vừa dụ trâu ăn cỏ có muối, chúng sẽ nhớ chủ mà bớt hung hãn rồi để người lại gần” - già Plin chia sẻ.

Cũng theo già Plin, từ những năm 2004 - 2005, khi chính quyền có kế hoạch kêu gọi người dân chuyển đổi canh tác từ trồng lúa nước sang trồng rau, hoa, củ, quả, nhà kính cho thu nhập cao hơn thì cây lúa mất dần, người dân bắt đầu không còn dùng trâu để cày cấy nhưng vẫn tiếp tục thả trâu vào rừng để nuôi bán.

Theo Chính Phong /Báo Lâm Đồng

Print

Hãy Đăng nhập hoặc Đăng ký đăng nhận xét.

Danh mục bài viết

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
20
21
22
23
24
25
26
27
28
293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liện hệ quảng cáo: 024.22415051

Tổng Biên tập:NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top